Điện hạt nhân: Đắt hay rẻ?
Theo Nghị quyết 66/2006/QH11, nhà máy điện hạt nhân là dự án công trình trọng điểm quốc gia phải trình Quốc hội phê duyệt. Đến nay, tính hiệu quả kinh tế và bài toán an ninh, bao gồm cả an toàn sản xuất vẫn còn nhiều vấn đề cần xem kĩ.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, về phương diện kinh tế, điện hạt nhân không rẻ so với các nhà máy nhiệt điện (chạy bằng than, khí, dầu). Đối với những nước có ngành điện hạt nhân phát triển, số lò hạt nhân lớn và đã được khai thác nhiều năm nên đã được khấu hao một phần, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và nhân lực đã được chuẩn bị tốt, giá điện hạt nhân có rẻ hơn các nước khác, nhưng cũng cao hơn giá điện chạy bằng than hay khí.
Ở châu Âu, giá thành 1 kWh điện hạt nhân hiện nay khoảng 5 cents USD (tương đương 850 VNĐ); ở Hoa Kỳ - khoảng 7 cents USD (1200 VNĐ) ; ở Nhật – khoảng 6 yên Nhật (1200 VNĐ). Đây là giá bán tại nhà máy, chưa phải là giá kinh doanh bán tới người tiêu dùng điện.
Nhà máy điện hạt nhân ở Hàn Quốc. Ảnh: evn.gov.vn. |
Có lẽ vì lý do hiệu quả kinh tế và lý do an toàn mà các nước có nền công nghiệp điện hạt nhân lớn nhất đang có xu hướng dừng lại hoặc thoát ra, như Hoa Kỳ suốt từ năm 1978 đến nay không xây mới một lò nào; nhiều nước Tây Âu đang chuẩn bị rút lui có trật tự (Thụy Điển, Bỉ, Đức …) hoặc không hưởng ứng điện hạt nhân nữa (Anh, Ý, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha…).
Chỉ có 12 nước, phần lớn của châu Á, đang xây mới 32 lò hạt nhân. Vì sao có xu hướng này là điều chúng ta cần suy nghĩ, tìm hiểu để đi đến quyết định về điện hạt nhân ở Việt Nam.
Đối với các nước mới bắt đầu xây dựng điện hạt nhân như Việt Nam, giá thành sẽ cao hơn nhiều lần do phải tính đến các chi phí cho xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật ban đầu, cho đào tạo nguồn nhân lực và cho việc thuê chuyên gia, tư vấn nước ngoài.
Bắt đầu từ con số không ở mọi hạ tầng cơ sở kỹ thuật và nhân lực cho điện hạt nhân, chủ đầu tư nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam cần phải làm rõ, với nguồn vốn đó, dự án đầu tư sẽ đạt được đến mức nào? Cụ thể, đó là mức đầu tư để xây dựng, đưa nhà máy thuộc thế hệ II vào vận hành và bảo đảm nguồn nhiên liệu cho nhà máy hoạt động trong bao lâu?
Mức đầu tư đó có tính đến chi phí cho việc xử lý và lưu giữ chất thải hạt nhân, giải quyết môi trường, xây dựng và duy trì sự sẵn sàng hoạt động của hệ thống ứng phó sự cố, bảo hiểm an toàn, tháo dỡ nhà máy sau khi hết hạn sử dụng hay không v.v.?
Riêng chi phí tháo dỡ nhà máy điện hạt nhân là rất lớn. Thí dụ, 1 lò hạt nhân đầu tư hết 3 tỷ USD thì phải chuẩn bị khoảng 400-450 triệu USD cho việc tháo dỡ sau khi lò hết hạn sử dụng.
Việc tháo dỡ lại hết sức phức tạp và nguy hiểm vì chất phóng xạ, sau khi nhà máy thôi vận hành, phải đợi từ 25 đến 50 năm (tức là làm một nhà máy điện hạt nhân tức là đất nước bị kẹt gần một thế kỷ).
Chi phí tháo dỡ chiếm khoảng 15% kinh phí đầu tư và thường ít được các chủ đầu tư đưa vào dự toán khi xây dựng, vì phải 40-50 năm sau mới phải làm. Tuy vậy, để tính hiệu quả kinh tế của điện hạt nhân thì cả những chi phí loại này cũng phải được tính đến để hạch toán.
Với tất cả các chi phí đã được tính đủ, nguồn vốn đầu tư cụ thể sẽ được thu xếp như thế nào? Phương án kinh doanh, giá bán điện được tính cụ thể thế nào, có được xã hội chấp nhận hay không? Khả năng thu hồi vốn ra sao? Có thể khẳng định rằng, nếu tính đủ các chi phí liên quan thì giá thành điện hạt nhân ở Việt Nam sẽ không rẻ.
Ngoài ra, khi quyết định xây dựng điện hạt nhân, nếu để xảy ra sự cố hạt nhân gây ra nhiễm phóng xạ cho môi trường thì hậu quả nặng nề còn tác động đến nhiều ngành kinh tế khác của đất nước như du lịch, xuất khẩu nông sản, thủy hải sản.
Nhà máy điện hạt nhân, với những đặc thù và tính chất đặc biệt sẽ giữ vị trí nào trong quy hoạch phát triển điện của Việt Nam? Ảnh: Dalat.gov.vn |
Bài toán về an ninh và an toàn hạt nhân
An ninh và an toàn hạt nhân vẫn là vấn đề lớn cần xem xét cẩn thận. Do đặc thù riêng biệt của điện hạt nhân, ràng buộc quốc tế đối với những nước tham gia cộng đồng sản xuất điện hạt nhân rất lớn.
Do tính chất nhạy cảm của chương trình điện hạt nhân, quyết định xây dựng nhà máy điện hạt nhân tức là chấp nhận sự giám sát và kiểm soát quốc tế trong suốt quá trình xây dựng, vận hành, xử lý nhiên liệu, lưu giữ chất thải và tháo gỡ; trong việc bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn, sẵn sàng ứng phó sự cố, bảo hiểm v.v.
Nếu làm điện hạt nhân, chúng ta sẽ phải phụ thuộc vào nước ngoài về thiết bị, phụ tùng, nhiên liệu, xử lý nhiên liệu đã qua sử dụng và có thể cả đội ngũ chuyên gia, nhân viên kỹ thuật.
Riêng về nguyên liệu hạt nhân uranium, bản thân Việt Nam không có sẵn, buộc phải nhập từ bên ngoài. Trong khi đó, theo một nghiên cứu được công bố trữ lượng Uranium trên thế giới hiện nay vào khoảng 15 triệu tấn, chỉ đủ để cung cấp cho khoảng 440 lò đang vận hành trong khoảng 60 năm. Thực tế trữ lượng có thể khai thác còn có thể ít hơn. Vì vậy, nếu nhiều nước cùng muốn phát triển điện hạt nhân và số lò tăng lên, thì có thể nhu cầu Uranium sẽ tăng vọt, giá thành sẽ cao lên nhiều lần và cuộc khủng hoảng Uranium nếu xảy ra sẽ trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng dầu mỏ hiện nay.
Nếu không có sự chuẩn bị kĩ lưỡng, làm cẩn thận, vấn đề bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia khi thực thi các cam kết quốc tế, bảo đảm an toàn cho người dân, tránh cho đất nước khỏi rơi vào tình huống khó xử, bị cô lập quốc tế liên quan đến vấn đề hạt nhân sẽ là một câu hỏi lớn.
Mô hình sở hữu?
Khi đã cân nhắc cẩn thận, chuẩn bị kĩ lưỡng, chúng ta cũng cần giải đáp nhiều vấn đề khác.
Trước hết, nhà máy điện hạt nhân, với những đặc thù và tính chất đặc biệt sẽ giữ vị trí nào trong quy hoạch phát triển điện của Việt Nam? Sẽ là doanh nghiệp 100% của Nhà nước, hay sẽ là doanh nghiệp cổ phần (trong đó nhà nước nắm một tỷ lệ nhất định), hay sẽ là doanh nghiệp cổ phần hoàn toàn của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước, hay sẽ là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài? Câu hỏi này cần được giải đáp, vì chỉ khi rõ chủ sở hữu mới có thể quyết định chính sách đúng đắn cho việc đầu tư xây dựng và quản lý nhà máy điện hạt nhân.
Theo phương án dự án nhà máy điện hạt nhân đang chuẩn bị trình Quốc hội xem xét phê duyệt, chủ đầu tư dự án là Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN). Như vậy, tại thời điểm hiện tại, chủ đầu tư là một tập đoàn kinh tế của Nhà nước, nhưng trong một vài năm tới tập đoàn này sẽ phải được cổ phần hóa theo lộ trình. Khi xây dựng dự án, chủ đầu tư cần trả lời câu hỏi: nhà máy điện hạt nhân sắp xây dựng sẽ thuộc mô hình sở hữu nào?
Nếu là doanh nghiệp nhà nước thì phải tổ chức quản lý thế nào để phù hợp với chính sách năng lượng đang triển khai và khả năng bố trí ngân sách của Nhà nước cho quy mô dự kiến của nhà máy điện hạt nhân có khả thi hay không?
Còn nếu là doanh nghiệp cổ phần thì là doanh nghiệp cổ phần với tỷ lệ góp vốn của Nhà nước là bao nhiêu, tỷ lệ góp vốn của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước là bao nhiêu?
Nếu là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thì chính sách cụ thể sẽ như thế nào? Khả năng huy động vốn cho việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đối với từng phương án cụ thể như thế nào? Câu hỏi này chưa được đặt ra và giải đáp trong Báo cáo đầu tư.
Bài toán vốn
Theo kinh nghiệm quốc tế, tùy theo mức độ đầu tư, công nghệ lựa chọn, yêu cầu về an toàn, an ninh và khả năng nội tại của quốc gia (về nguồn nhân lực và mức độ sẵn sàng cơ sở kỹ thuật nội địa cho điện hạt nhân) v.v. mà suất đầu tư cho 1 kW điện hạt nhân tại thời điểm hiện tại dao động trong khoảng từ 3000 đến 4000 USD (và có thể còn cao hơn). Như vậy, để đầu tư 1 tổ máy công suất 1000 MW cần từ 3 tỷ đến 4 tỷ USD.
Theo phương án và quy mô mà chủ đầu tư đề xuất xây dựng hai nhà máy Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 với 4 tổ máy loại 1000 MW vào năm 2020, sơ bộ chúng ta cần khoảng 15,387 tỷ USD, tương đương 253.727 tỷ đồng (theo tỷ giá 1 USD= 16.490 VNĐ).
Theo tỷ giá tháng 3/2009 (1 USD=17.500 VNĐ) thì tổng vốn đầu tư đã là khoảng 269.272 tỷ đồng. Nói một cách khác, nếu Quốc hội đồng ý phê duyệt dự án do chủ đầu tư đề xuất vào năm 2009 và bắt đầu triển khai từ năm 2010, thì từ năm 2010 đến năm 2020, riêng cho dự án nhà máy điện hạt nhân mỗi năm phải chuẩn bị nguồn vốn bình quân khoảng 25.000 tỷ đồng (chưa tính đến trượt giá về đơn giá suất đầu tư và tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ do thời gian triển khai dự án kéo dài).
Theo đề xuất của chủ đầu tư, 25% nguồn vốn đó là vốn tự có của chủ đầu tư, 75% số còn lại là vốn vay thương mại. Khả năng vốn tự có của EVN có đáp ứng được không? khả năng vay thương mại có hiện thực không đều cần được thẩm định kỹ vì chưa thấy nói rõ trong Báo cáo đầu tư.
Mô hình nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Ảnh: evn.gov.vn. |
Đó là chưa tính đến nguồn vốn cần cho các dự án điện khác đã được phê duyệt mà hiện nay EVN cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong thu xếp vốn.
Trong điều kiện suy thoái kinh tế toàn cầu đang diễn ra và sự suy giảm phát triển kinh tế ở nước ta trong một vài năm tới ngày càng rõ nét thì khả năng huy động vốn như vậy liệu có khả thi?
Nhà nước hoặc các nhà đầu tư thuộc các thành phần kinh kế ngoài nhà nước, nhà đầu tư nước ngoài có thể góp vốn cho nhà máy điện hạt nhân theo quy mô và lộ trình dự kiến xây dựng?
Nếu không thể thu xếp đủ vốn theo tiến độ thì việc quyết định phê duyệt dự án cần phải cân nhắc kỹ từ thời điểm thực hiện, quy mô của dự án để tránh tình trạng “quy hoạch treo” và sẽ làm phát sinh tăng vốn đầu tư lên nhiều lần so với dự toán ban đầu.
Chúng ta cũng đã có bài học về việc không thu xếp được vốn, để dự án kéo dài làm tăng vốn đầu tư lên nhiều lần mà điển hình là dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Mâu thuẫn với đề án tái cơ cấu?
Ngoài ra, mới đây Bộ Công thương đã xây dựng đề án thiết kế tổng thể thị trường điện cạnh tranh và tái cơ cấu ngành điện trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt. Đề án này đưa ra lộ trình hình thành thị trường điện, giai đoạn 2009 - 2014 là thời gian thị trường phát điện cạnh tranh hoàn chỉnh.
Để thực hiện được bước đi này, giới chuyên gia cho rằng, các nhà máy điện thuộc EVN phải tách ra thành các đơn vị phát điện độc lập, không có chung lợi ích kinh tế với người mua duy nhất (hiện vẫn là EVN), đồng thời là đơn vị truyền tải và đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện.
Ngoài ra, công suất lắp đặt của từng đơn vị phát điện này cũng không được vượt quá 25% công suất lắp đặt của toàn hệ thống.
Hiện tại, công suất lắp đặt của toàn hệ thống vào khoảng 15.000 MW và phần các nhà máy do EVN nắm giữ 100% vốn hay có cổ phần chi phối, hiện chiếm tỷ trọng hơn 60%.
Việc giao thêm 2 nhà máy điện hạt nhân với tổng công suất 4.000 MW cho EVN sẽ càng làm tăng tỷ trọng công suất phát điện do EVN nắm giữ trong toàn hệ thống liệu có phù hợp với đề án.
- Ts. Nguyễn Quốc Anh
-------------------------------------------------------------------------------------------------
No comments:
Post a Comment