Saturday, November 22, 2008

Chương trình điện hạt nhân: Thiếu cán bộ chuyên môn có trình độ cao

26/10/ 2005
Theo dự báo của Viện Năng lượng nguyên tử: năm 2020, tổng nhu cầu điện ở Việt Nam vào khoảng 200 - 230 tỷ KW/giờ- Trong khi tổng nguồn năng lượng phục vụ sản xuất điện chỉ đạt 165 tỷ kw/giờ, như vậy nước ta vẫn còn thiếu khoảng 65 tỷ KW/giờ. Nếu Chính phủ quyết tâm đầu tư xây dựng nhà máy điện nguyên tử đầu tiên của Việt Nam, thì nhà máy có thể phát điện vào năm 2017 - 2020. Tuy nhiên vấn đề con người là một trong những thách thức lớn đối với Việt Nam trong quá trình xây dựng nhà máy điện nguyên tử.

Ngày 5-10-2004 , Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 176/2004/QĐ - TTG phê duyệt chiến lược phát triển ngành điện ở Việt Nam giai đoạn 2004 - 2010 và các định hướng đến năm 2020- Quyết định đã khẳng định khả năng phát triển năng lượng hạt nhân tại Việt Nam với mục tiêu có 2.000 MW sau năm 2015.

Tiếp đó, đầu năm 2005, Viện Năng lượng nguyên tử đã xây dựng lộ trình rất cụ thể để từng bước hoàn thành chiến lược CP đề ra: các năm 2005 - 2007 nghiên cứu khả thi, các hoạt động đào tạo đầu tiên đặc biệt chuẩn bị các khả năng chuyên môn cần thiết cho việc kiểm soát an toàn hạt nhân; 2008 -2010 chuẩn bị khởi động và mời gọi thầu, thương thảo liên quan song song với việc chuẩn bị địa điểm xây dựng; 2011 - 2017 xây dựng trong thời hạn 7 năm từ lúc ký hợp đồng đến ngày đưa lò hạt nhân đầu tiên vào hoạt động.

Gần đây, tại Hội thảo Công nghệ Việt - Pháp với mục đích lựa chọn công nghệ, địa điểm xây dựng nhà máy điện nguyên tử, Tiến sĩ Trần Thanh Liễn, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho biết: Việt Nam đang đối mặt với nhu cầu rất lớn về cán bộ chuyên môn có trình độ cao để thực hiện chương trình điện hạt nhân mà mục tiêu là xây dựng nhà máy điện nguyên tử vào năm 2020.

Nguồn nhân lực cho ngành khoa học hạt nhân nói chung và chương trình điện hạt nhân ở nước ta thật khó khăn.

Theo hướng dẫn của cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (JAEA) để xây dựng và đưa một nhà máy điện hạt nhân vào hoạt động cần khoảng 3.500 - 4.500 người, trong đó có khoảng 500 - 700 người có trình độ đại học và trên đại học, 700 - 1.000 kỹ thuật viên và 2.200 - 3.000 công nhân lành nghề. Việc đào tạo cán bộ đủ chuyên môn trong khâu xây dựng dự án, quản lý dự án, kỹ thuật, giám sát đến chạy thử nghiệm vận hành và bảo trì, quản lý chất thải phóng xạ là không dễ dàng và không thể thực hiện trong một thời gian ngắn, dù có đầy đủ cơ sở vật chất.

Hiện nay, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Đà Lạt mỗi năm đào tạo khoảng 30 sinh viên, chuyên ngành hạt nhân. Nếu mỗi năm Việt Nam đào tạo được 70 - 100 người thì phải sau 12 - 15 năm mới có đủ số cán bộ chuyên môn này. Tính đến đầu năm 2005, Việt Nam mới có khoảng 600 cán bộ làm việc trong ngành hạt nhân, chủ yếu là cán bộ của Viện Năng lượng nguyên tử.

Trong khi đó, số cán bộ của Viện trong 10 năm qua lại suy giảm do nhiều nguyên nhân: chuyển ngành , làm việc cho công ty nước ngoài, ở nước ngoài dài hạn. Điều đáng quan tâm là nhân lực ngành hạt nhân đang bị già hóa, tuổi trung bình của cán bộ trong Viện là 45, rất ít cán bộ giỏi dưới 35 tuổi đưa đi đào tạo tại nước ngoài.

Viện Năng lượng nguyên tử, là cơ quan chuyên bao tiêu "sản phẩm" đầu ra, thực hiện chính sách cấp học bổng cho sinh viên giỏi để đào tạo đội ngũ phục vụ cho ngành mình. Nhưng biện pháp tình thế này cũng chưa đủ mạnh để tạo sức hút đối với những sinh viên thực sự có năng lực. Một trong những nguyên nhân là do sinh viên tốt nghiệp khó kiếm được việc làm, hoặc có thì mức lương cũng rất khiêm tốn so với các ngành học khác.

Như vậy, vấn đề nhân lực trong ngành điện hạt nhân, nhất là trong giai đoạn Việt Nam đang phấn đấu đưa nhà máy điện nguyên tử đầu tiên vào hoạt động trong năm 2020 trở thành thách thức lớn. Ngành hạt nhân cần có biện pháp đào tạo hữu hiệu để bổ sung đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao đáp ứng nhu cầu của ngành mình và của sự nghiệp xây dựng đất nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Theo: TTXVN

-------------------------------------------------------------------------------------------------

No comments:

Post a Comment

Add to Technorati Favorites

From vituyen blog