Friday, November 21, 2008

Công nghệ hạt nhân thâm nhập vào cuộc sống

27/10/2005
Một trăm công trình nghiên cứu lớn nhỏ được trình bày ở một diễn đàn khoa học tổ chức cạnh lò phản ứng hạt nhân đầu tiên của Việt Nam, trên thành phố cao nguyên Đà lạt.

Cùng với những báo cáo trong tay, khoảng hai trăm cán bộ khoa học đang có mặt ở Viện Nghiên cứu Hạt nhân (Đà Lạt), tham gia hội nghị khoa học và công nghệ hạt nhân toàn quốc lần thứ VI, trong 2 ngày 26-27.10.2005.

Một cuộc gặp mặt thường kỳ, hai năm một lần. Họ đến, phần lớn, từ những cơ sở nghiên cứu R-D của Viện Năng lượng Nguyên tử Việt nam như Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân (Hà Nội), Viện Công nghệ Xạ Hiếm (Hà Nội), Trung tâm Ứng dụng Hạt nhân và Trung tâm Chiếu xạ (Tp. HCM). Có cả những chuyên gia ở những lĩnh vực khác như đào tạo đại học, y tế, nông nghiệp, công nghiệp v.v... đến từ các trường đại học, bệnh viện lớn, đoàn địa chất, trung tâm nghiên cứu sinh học và nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long, Hà Nội v.v...

Những con số trên đây chứng tỏ rằng ngành khoa học và công nghệ hạt nhân ở nước ta đang tiếp tục tìm đến với những yêu cầu mới đặt ra trong các mặt hoạt động của đời sống, ngành năng lượng nguyên tử Việt nam đang mở rộng vai trò trong nền kinh tế Việt Nam đang trên đường hội nhập và phát triển. Các nhà nghiên cứu triển khai trong các lĩnh vực này đang đi tiếp con đường đã mở ra từ nửa thế kỷ trước, thậm chí từ những năm đầu của thế kỷ 20.

Từ chiếc kim Rađi của Marie Curie ở phố Quán sứ...

Y tế là ngành ứng dụng sớm nhất kỹ thuật hạt nhân ở Việt nam. Ngay từ năm 1923 những thanh phóng xạ Rađi kèm theo chứng chỉ sử dụng với chữ ký của nhà bác học vĩ đại Marie Curie đã được các thầy thuốc ở Việt Nam sử dụng để điều trị ung thư. Nơi ấy là khoa Radium thuộc bệnh viện Phủ Doãn, hay là Viện Rađium Đông Dương nằm trên phố Quán sứ của Hà Nội, bây giờ là Bệnh viện K. Sự kiện đó đưa Hà Nội trở thành một địa chỉ ứng dụng thành tựu công nghệ hạt nhân thuộc loại sớm nhất châu Á.

Dĩ nhiên, cái mốc thời gian 1923 ấy cũng chỉ có ý nghĩa lịch sử. Vì, tương tự các lĩnh vực khác, bước chuyển mạnh thực sự của những ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong chẩn đoán và chữa bệnh phải đợi đến sau hiệp định Genève, năm 1954. Ở Miền Bắc với sự giúp đỡ của Liên xô (cũ) và các nước Đông Âu, và ở Miền Nam, chủ yếu, với kỹ thuật từ Hoa kỳ. Cùng các thiết bị chữa trị khối u với "bom" Côban-60 là các cơ sở y học hạt nhân với phòng chẩn đoán và điều trị bằng dược chất phóng xạ, lần lượt ra đời ở Hà Nội và Sài gòn.

Đáng kể hơn cả là giai đoạn 30 năm gần đây, sau khi thống nhất đất nước và hồi phục lò phản ứng hạt nhân Đà lạt. Trong giai đoạn này, các ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong Y tế được phát triển cả bề sâu lẫn bề rộng, với trên 20 khoa y học hạt nhân, trên 10 "bom" côban ở các bệnh viện của 3 miền Bắc-Trung-Nam. Đặc biệt 4 máy gia tốc electron đặt ở các bệnh viện K (Hà Nội), Chợ Rẫy và Việt Pháp (Tp. HCM), trong bốn năm qua, đã đưa việc chữa bệnh hiểm nghèo lên một trình độ mới.
Trong sự phát triển đó, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam đóng vai trò nổi bật như một trung tâm đầu mối chuyển giao công nghệ và cung cấp 40% lượng dựơc chất phóng xạ (điều chế trên Lò phản ứng ở Đà lạt) cho ngành y tế.

Trong hội nghị ở Đà lạt lần này, các bệnh viện đã gửi đến 13 báo cáo về kết quả điều trị bệnh ung thư trên máy gia tốc electron Siemens Primus (bệnh viện K, Hà Nội), về nâng cao chất lượng chụp ảnh gan, xương bằng đồng vị Tc99m và về chất lượng chữa bệnh bằng dựơc chất phóng xạ I-131 (chữa tuyến giáp, basedow), Re-188 (gan) và P-32 (xương). Đặc biệt, các bác sĩ của bệnh viện Chợ Rẫy đã có báo cáo tổng kết đầy ấn tượng về 10 năm nghiên cứu điều trị và kéo dài tuổi đời cho 1000 bệnh nhân ung thư bằng phương pháp hạt nhân.

Ra với dàn khoan ngoài biển khơi

Sau Y tế, ngành Địa chất cũng đến với công nghệ hạt nhân rất sớm. Sau 1954 cùng với các chuyên gia địa chất là các thiết bị sử dụng kỹ thuật hạt nhân từ các nước được đưa vào Việt Nam. Các nhà địa chất Việt Nam đã tiến hành đo xạ bằng máy bay, bằng đường bộ hay phân tích mẫu, đã thăm dò và phát hiện nhiều mỏ phóng xạ, các mỏ kim loại đen màu trong lòng đất. Các kỹ thuật mới dùng chùm gamma, nơtron cũng đã được sử dụng trong các lỗ khoan sâu. Nhờ vậy, nhiều tài nguyên quý ở núi cao, đồng bằng và ven biển đã được phát hiện. Từ khi lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt trở lại hoạt động (1983), hàng vạn mẫu địa chất đã được phân tích nhanh chóng bằng các phương pháp hạt nhân.

Trong lĩnh vực thủy văn, các phương pháp hạt nhân cũng được sử dụng hữu hiệu trong nghiên cứu, trong phát hiện và đánh giá tình trạng của các mạch nước ngầm, các vùng sa bồi (cảng Hải Phòng v.v...), các vùng ô nhiễm bề mặt, các con đập quan trọng (Thủy điện Hòa Bình, Trị An, ...) với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong ngành năng lượng nguyên tử VN.

Đặc biệt, trong vài năm gần đây, một nhóm nghiên cứu từ lò phản ứng Đà lạt xuống núi, ra tận dàn khoan, dùng phương pháp đánh dấu phóng xạ để kiểm soát một chu trình khai thác dầu. Về kỹ thuật, trong chu trình khai thác, nước được bơm vào mỏ để ép đẩy dầu về các giếng khai thác. Như vậy, hiệu suất khai thác rất phụ thuộc hiệu quả bơm ép, tức là việc kiểm soát quá trình bơm ép nước có ý nghĩa kinh tế kỹ thuật lớn. Nhóm nghiên cứu Đà Lạt đã thành công trong việc áp dụng phương pháp đánh dấu phóng xạ để kiểm soát quá trình trên và được đối tác đánh giá cao. Phát huy thành công đó, họ đã tiến tới thắng thầu quốc tế năm 2004 trên mỏ Sư tử đen và ký được một số hợp đồng hàng chục tỷ đồng với các công ty khai thác dầu trong nước và quốc tế.

Đến với hội nghị Đà Lạt lần này, họ tổng kết những thành tựu thu được, đồng thời chia sẻ những dự định và quyết tâm đi về phía trước của mình, trong báo cáo "Cơ hội và thách thức của KHCN hạt nhân trong lĩnh vực khai thác dầu khí".

Tiềm lực ... tiềm năng

Trong đội ngũ "hạt nhân" hội quân về Đà lạt, ngoài những người thuộc binh chủng phục vụ trong ngành y và ngành địa chất thủy văn vừa điểm qua ở trên, còn nhiều “lính chiến” trong các lĩnh vực khác.

Riêng lĩnh vực Nông nghiệp và Sinh học khá đông đảo với 30 báo cáo phản ảnh những kết quả ứng dụng các phương pháp hạt nhân nhằm tăng sản lượng và chất lượng cây trồng, vật nuôi. Các chuyên gia thuộc Viện KH Nông nghiệp VN với báo cáo tổng kết về các thành tựu trong lĩnh vực "Gây đột biến chọn giống lúa" ở VN. Các chuyên gia nông nghiệp ở các trung tâm nghiên cứu phía nam trình bày những kết quả cụ thể, như "gây đột biến phóng xạ tạo giống lúa ngắn ngày, năng suất cao, phẩm chất tốt thích nghi với một số điều kiện khó khăn ở Nam bộ", "Kích thích sinh trưởng mẫu khoai tây", hoặc "Nghiên cứu nâng cao hiệu lực phân đạm bón cho lúa trong cơ cấu thâm canh bốn vụ trên đất bạc màu thông qua kỹ thuật đồng vị đánh dấu Nitơ 14" v.v và v.v... Tình hình trên đây là một dấu hiệu đáng khích lệ, vì ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong nông sinh vốn là lĩnh vực khó và đòi hỏi sự đầu tư công sức lâu dài.

Số báo cáo liên quan ứng dụng KTHN trong công nghiệp gửi đến hội nghị lần này khá khiêm tốn. Nhưng điều đó không phải là sự phản chiếu tình hình đang diễn ra ngoài đời sống. Vì thực tế, hàng trăm quy trình công nghệ đang vận hành dưới sự theo dõi và điều chỉnh bởi các thiết bị hạt nhân. Các phương pháp kiểm tra hạt nhân không hủy thể (NDT) đang có mặt trong nhiều ngành công nghiệp, ngành xây dựng ở nước ta. Trên "mặt trận" này đã và đang diễn ra nhiều cuộc đấu thầu, tranh chấp chọn lựa những nhà cung cấp thiết bị và công nghệ trong và ngoài nước. Đáng tiếc là trong nhiều trường hợp, ngay trên sân nhà, những nhà kỹ thuật trong nước phải chịu nhường bước vì tiềm lực yếu, trước hết là về tài chính và thiết bị.

Một số "thầy giáo hạt nhân" và các "nhà vật lý hạt nhân chính hiệu” cũng có mặt ở hội nghị, đóng góp những kết quả nghiên cứu, dù không đo đếm được bằng hiệu quả kinh tế, nhưng là những giá trị thực về khoa học.

Đó là những vấn đề nóng hổi trong lý thuyết hạt nhân, như "Nghiên cứu phương trình trạng thái vật chất hạt nhân qua mô tả vi mô phản ứng trao đổi điện tích (p,n)". Tác giả của báo cáo này đã có những bài báo đăng trong các tạp chí hàng đầu thế giới về vật lý. Đó là những kết quả khảo sát mới mẻ về tia vũ trụ thu được từ trạm quan sát VIALY ở Hà Nội. Điều này chứng tỏ rằng, các cán bộ khoa học trẻ nước ta có tiềm năng hội nhập với đời sống khoa học tầm cao của thế giới, nếu được sự trợ lực về thiết bị hiện đại.

Trong hội nghị còn có những báo cáo nghiên cứu liên quan vật lý lò, về thực nghiệm và lý thuyết. Các tác giả, phần lớn, là những kỹ sư vật lý đang vận hành tốt lò phản ứng. Đó là tiềm năng cho chúng ta tiếp cận với các công nghệ mới của lò phản ứng n ăng lượng khi có yêu cầu.

Chờ một đòn bẫy

Tuy nhiên, cũng nên nhìn nhận sâu hơn tiềm lực mà chúng ta đang có. Đáng lý, với đội ngũ cán bộ khoa học ấy, với một đất nước có 80 triệu dân này, mặt bằng khoa học phải ở tầm cao hơn, chẳng hạn, số công trình khoa học xuất hiện trên các tạp chí thế giới phải nhiều hơn, có tiếng vang hơn. Đáng lý, với đội ngũ những cán bộ khoa học triển khai (R-D) khá đông hiện nay, hiệu quả đóng góp kinh tế phải cao hơn, phải có thế mạnh hơn trong sự cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài ngay trên thị trường nội địa.

Có nhiều nguyên nhân lý giải điều này. Nhưng một nguyên nhân quan trọng là cơ sở vật chất chưa tương xứng, và sự đầu tư còn ở mức thấp. Điều này thể hiện, trước hết, ở tình trạng các phòng thí nghiệm, các thiết bị hạt nhân, đặc biệt sự thiếu hụt "các máy cái". Trong ngành hạt nhân máy cái là máy gia tốc, là lò phản ứng hạt nhân.

Sau khoảng 30 năm, các máy gia tốc nay đã trở nên già cỗi. Chỉ còn duy nhất một máy Microtron đang hoạt động ở giai đoạn cuối. Trong khi máy gia tốc là công cụ không thể thiếu cho đào tạo cán bộ và nghiên cứu triển khai về hạt nhân. Các máy gia tốc electron ở một số bệnh viện hiện nay chỉ chuyên dùng cho chữa bệnh. Về mặt này, các nước trong vùng như Indonesia, Malaysia, Thái lan, Singapore đang vượt chúng ta khá xa.

Sau 40 năm, lò phản ứng Đà lạt đã vượt qua tuổi thọ trung bình. Đó là lò phản ứng duy nhất, nhưng công suất thấp (500 kW) và đã xuống cấp sau 20 năm thăng trầm và, tiếp theo, 20 năm làm việc liên tục. Về mặt này, chúng ta cũng đứng sau vài ba nước trong vùng Đông Nam Á. Cũng nên nói thêm rằng, nhu cầu một lò phản ứng công suất cao hơn là một yêu cầu của nhiều ngành khoa học và kỹ thuật hạt nhân nước ta. Với một chương trình điện nguyên tử, yêu cầu đó càng cao hơn.

Rõ ràng, một sự đầu tư mạnh mẽ hơn về cơ sở vật chất kèm theo một cơ chế quản lý thích hợp sẽ là đòn bẫy cho sự phát triển ngành khoa học và kỹ thuật hạt nhân Việt Nam, tạo điều kiện cho nó đóng vai trò lớn hơn trong trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Điều này, có lẽ nằm ngoài tầm tay của bản thân những người làm khoa học công nghệ hạt nhân. Ngược lại, chính họ đang mong đợi ở các nhà hoạch định chính sách, các cấp quản lý.
Source: VietNamNet

-------------------------------------------------------------------------------------------------

No comments:

Post a Comment

Add to Technorati Favorites

From vituyen blog