Một nhà máy công suất 2.000 MW cần 3 tỷ USD vốn đầu tư (khoảng 45 nghìn tỷ đồng). Với dự án khổng lồ như vậy, nhiều nước sở hữu công nghệ điện hạt nhân tiên tiến trên thế giới như Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc đang ráo riết đẩy mạnh hợp tác với VN nhằm có cơ hội chen chân trong vài năm tới.
Theo tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, Phó trưởng ban Kế hoạch và Quản lý Khoa học Viện năng lượng nguyên tử VN, từ khi có quyết định đầu tư đến lúc nhà máy có thể phát điện lên lưới mất khoảng 13 năm, trong khi theo chiến lược phát triển ngành điện VN sau năm 2015 VN sẽ có nhà máy điện hạt nhân đầu tiên vận hành. Dự kiến, nhà máy điện hạt nhân đầu tiên sẽ được xây dựng theo kiểu “chìa khóa trao tay”. Các công đoạn như thiết kế dự án, thi công, chạy thử, vận hành, bảo dưỡng sẽ do nhà thầu nước ngoài đảm nhiệm khoảng 50%. Nắm bắt trước cuộc đua đấu thầu tại VN sẽ gay cấn trong bối cảnh thế giới đang thừa công nghệ sản xuất điện hạt nhân, 3 nước trên đã ký các thỏa thuận hợp tác với VN và cử nhiều đoàn chuyên gia sang hỗ trợ nghiên cứu. Nhật Bản còn tài trợ hẳn một triển lãm quốc tế về công nghệ điện hạt nhân tại VN.
- Các quốc gia có tỉ lệ lưới điện hạt nhân cao nhất thế giới là: Pháp, Slovakia, Bỉ, Lithunia, Bulgaria. - Trên thế giới hiện có 441 lò phản ứng hạt nhân đang vận hành (châu Á có 95) cung cấp khoảng 16% sản lượng điện. 32 lò phản ứng đang được xây dựng (châu Á có 19). |
Các bước nghiên cứu chuẩn bị cho dự án về cơ bản đã hoàn tất. Cuối năm ngoái, tổ công tác chỉ đạo nghiên cứu phát triển điện hạt nhân đã đệ trình bản báo cáo lên 2 bộ Công nghiệp và Khoa học Công nghệ, trong đó đề cập chọn được 2 tỉnh là Ninh Thuận và Phú Yên để đặt nhà máy. Để xác định được 2 điểm trên, các nhà khoa học đã tiến hành khảo sát ban đầu khoảng 20 vị trí dọc miền Trung, căn cứ trên hai tiêu chí an toàn và kinh tế, chẳng hạn trong 500 năm không có động đất, không có đứt gãy địa chất, gần nguồn nước để làm mát máy phát, gần lưới điện quốc gia để giảm tổn thất chuyển tải, gần cảng biển để dễ vận chuyển nhiên liệu, máy móc...
Bản báo cáo trên chỉ ra khả năng tất yếu VN sẽ lựa chọn điện hạt nhân để đảm bảo an ninh năng lượng. Đến năm 2015, cả nước thiếu 8 tỷ kWh điện, đến năm 2020 thiếu từ 36 đến 65 tỷ kWh. So với nhập khẩu năng lượng (điện, khí đường ống, than), giải pháp xây dựng nhà máy điện hạt nhân được cho là rẻ nhất. Nếu thay 2.000 MW điện hạt nhân bằng nhập khẩu điện sẽ làm tăng 928 triệu USD, dùng nhiệt điện khí sẽ làm tăng 598 triệu USD, nhiệt điện than sẽ làm tăng 627 triệu USD.
Theo một quan chức Bộ Công nghiệp, phát triển điện hạt nhân yêu cầu khả năng nắm bắt công nghệ cao, phức tạp, lại liên quan đến nhiều yếu tố mang tính chất toàn cầu, nên thời điểm quyết định xây dựng vẫn bỏ ngỏ.
Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử VN Vương Hữu Tấn cho rằng, vấn đề khiến dư luận lo ngại nhất là an toàn hạt nhân, đặc biệt sau tai nạn Chernobyl và một số sự cố xảy ra trên thế giới. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã khẳng định, tai nạn là do những sai sót ngay trong bản thân thiết kế và sự vi phạm quy chế vận hành của con người. Chernobyl không có vỏ bọc bằng bê tông cốt thép nên khi sự cố xảy ra, một lượng lớn chất phóng xạ thoát ra môi trường ảnh hưởng trên phạm vi lớn. Hiện nay các loại lò thương mại trên thế giới đều có vỏ bọc, nếu sự cố xảy ra, các chất phóng xạ sẽ bị giữ lại. Ngoài ra, việc chuyển giao công nghệ điện hạt nhân không chỉ bó hẹp giữa chủ đầu tư và nhà thầu mà phải được Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và nhiều tổ chức khác phê chuẩn.
Khả năng nắm bắt công nghệ điện hạt nhân của các chuyên gia VN, theo đánh giá của IAEA khá lạc quan. Thực tế các ứng dụng từ công nghệ hạt nhân đã được VN sử dụng khá phổ biến trong lĩnh vực y tế và công nghiệp. Lò phản ứng duy nhất đặt tại Đà Lạt công suất 250 KW nhưng đã sản xuất được trên 20 chế phẩm đồng vị và dược chất phóng xạ phục vụ y tế. Qua 20 năm vận hành, lò phản ứng hoạt động rất an toàn. Yếu tố quan trọng, theo tiến sỹ Hoàng Anh Tuấn, không phải nằm ở khả năng nắm bắt mà ở chính sách đào tạo kịp thời. Để vận hành nhà máy có công suất 2.000 MW cần khoảng 500 nhân viên với trình độ và chuyên môn khác nhau. Dù xây dựng dưới hình thức “chìa khóa trao tay”, phía nước ngoài đảm nhận rất nhiều công đoạn, VN vẫn phải có chương trình đào tạo rất sớm, khoảng 13 năm trước khi có nhà máy. Hiện cả nước có khoảng gần trăm cán bộ am hiểu về lĩnh vực này, nhưng phần lớn trong số họ sắp về hưu, chỉ có khoảng chục cán bộ trẻ đang được đào tạo ở nước ngoài.
Source: VNE
-------------------------------------------------------------------------------------------------
No comments:
Post a Comment