Theo dự báo, trong 10 năm tới với đà phát triển như hiện nay, Việt Nam sẽ thiếu điện nghiêm trọng. Để đáp ứng nhu cầu về điện, nước ta đang nghiên cứu khả năng xây dựng một nhà máy điện nguyên tử đầu tiên.
Từ ngày 18 – 19/10 tại Hà Nội diễn ra một cuộc hội thảo khoa học quốc tế về phát điện bằng năng lượng nguyên tử.
Báo Tiền Phong đã có cuộc phỏng vấn dưới đây với ông Marc Ponchet, Giám đốc khu vực Nga, Đông Nam Á và Nam Mỹ thuộc ủy ban Năng lượng Nguyên tử Pháp.
Ông đánh giá như thế nào về tình hình năng lượng điện hiện nay và khả năng xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam?
Đối với Việt Nam cũng như với các nước khác, điều quan trọng là vừa đáp ứng nhu cầu về điện hiện nay cũng như vừa dự báo được nhu cầu về điện trong những năm tới. Chắc chắn điều nên làm để đáp ứng nhu cầu điện của một đất nước là thiết lập nhiều nguồn năng lượng để không bị quá lệ thuộc vào một nguồn năng lượng nào.
Dự án nhằm phát triển năng lượng điện hạt nhân của Việt Nam sẽ cho phép đa dạng hóa việc cung ứng điện và đáp ứng nhu cầu về điện tăng lên nhanh chóng của các bạn.
Xin ông cho biết những tiêu chí để chọn địa điểm xây dựng nhà máy điện nguyên tử theo những kinh nghiệm của Pháp và quốc tế nói chung?
Đây là một chủ đề kỹ thuật hơi phức tạp bởi vì có rất nhiều yếu tố phải xem xét. Trong cuộc hội thảo chuyên môn sẽ diễn ra vào các ngày 18-19/10 tới, chúng tôi sẽ giới thiệu phương pháp và những kinh nghiệm của Pháp trong lĩnh vực này.
Có những tiêu chí về an toàn, tiêu chí về môi trường, tiêu chí về kỹ thuật, và tiêu chí về kinh tế. Điều quan trọng nhất, cả đối với việc lựa chọn địa điểm cũng như đối với việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân là an toàn và bảo vệ môi trường.
Các doanh nghiệp Pháp quan tâm đến mức nào dự án xây dựng nhà máy điện nguyên tử đầu tiên của Việt Nam? Nếu có thể xin ông cho biết tính vượt trội của công nghệ điện nguyên tử Pháp so với thế giới nói chung?
Pháp là nước dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực xây dựng nhà máy điện nguyên tử. Tại Pháp, các nhà máy điện nguyên tử sản xuất gần 80% điện năng của cả nước. Do vậy, kỹ thuật của Pháp rất quan trọng trong lĩnh vực nguyên tử.
Mặt khác, nước Pháp, thông qua tập đoàn Framatome, có kinh nghiệm lớn trong việc xây dựng các nhà máy điện nguyên tử ở nước ngoài như tại Hàn Quốc, Trung Quốc, Nam Phi, Braxin vv. Đó là những kinh nghiệm mà Pháp đề xuất chia sẻ với Việt nam để giúp đất nước các bạn phát triển năng lượng điện hạt nhân.
Điều lo ngại nhất trước khi xây dựng một nhà máy điện hạt nhân là tính an toàn và sự tác động của dự án tới môi trường. Kinh nghiệm của Pháp về hai lĩnh vực này như thế nào?
Trước khi xây dựng một nhà máy điện hạt nhân, điều quan trọng như tôi đã nhấn mạnh là tính tới toàn thể các vấn đề về an toàn, an ninh và bảo vệ con người cũng như môi trường. Trong lĩnh vực này, kinh nghiệm của Pháp dựa trên việc xây dựng 58 lò phản ứng tại Pháp với một qui trình hết sức nghiêm ngặt.
Sự lựa chọn trong năm nay của Phần Lan để xây dựng một lò phản ứng Framatome (loại EPR) một lần nữa chứng tỏ uy tín chất lượng cao của các công trình điện hạt nhân mà Pháp xây dựng.
Theo ông, để chuẩn bị thực hiện dự án xây dựng nhà máy điện nguyên tử đầu tiên của mình, Việt Nam cần chuẩn bị những gì?
Người ta không thể xây dựng một nhà máy điện nguyên tử như xây dựng một nhà máy điện thông thường. Đào tạo nhân lực trong tương lai cũng như nhân lực để đảm nhiệm việc kiểm soát và theo dõi nhà máy điện nguyên tử cần phải được chuẩn bị trong một thời gian dài trước đó.
Chính vì vậy, chúng tôi đã bắt đầu một hoạt động hợp tác quan trọng với các đối tác Việt Nam trong lĩnh vực này, chẳng hạn như với Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, hay với Varensac (Cục Kiểm soát an toàn bức xạ và hạt nhân).
Xin cảm ơn ông!
Source: tienphong
-------------------------------------------------------------------------------------------------
No comments:
Post a Comment