Theo ông Nguyễn Đăng Vang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT chúng ta có đủ năng lực để vận hành nhà máy điện hạt nhân và chỉ cần 32 tháng để đào tạo một đội ngũ về những vấn đề này.
Bên lề kỳ họp Quốc hội, Tiền phong đã trao đổi với Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội Nguyễn Đăng Vang về khả năng phát triển điện hạt nhân ở nước ta, cũng như về ý kiến của một số nhà khoa học cho rằng kế hoạch xây một lúc 4 lò phản ứng hạt nhân là liều lĩnh.
Ông Vang nói: Để có lò phản ứng hạt nhân vào năm 2020 là vô cùng quan trọng. Hiện bây giờ, chúng ta có nhu cầu tăng trưởng năng lượng khoảng 17%/năm, nhưng ta mới chỉ sản xuất được 13-14%, tức là mỗi năm thiếu 3-4%. Do tích tụ nhiều năm nên thiếu nghiêm trọng.
Thưa ông, sử dụng điện hạt nhân sẽ có lợi gì?
Chúng ta đã thấy vấn đề cần sử dụng điện hạt nhân từ nhiều năm qua. Trên cơ sở xem xét, cân đối các dự án khác nhưng thấy không đủ, cho nên ta cần phải tập trung vào loại năng lượng.
Trong quá trình thẩm tra vấn đề điện hạt nhân, chúng tôi thấy đây là một giải pháp làm cho giá thành điện thấp, khoảng bằng 60-65% so với các giải pháp khác. Khi các nguồn thủy điện, nhiệt điện không cung cấp đủ năng lượng, giải pháp này không chỉ tốt về giá thành mà còn là giải pháp hạn chế tác động về môi trường.
Chúng tôi đã thăm một nhà máy điện nguyên tử của Nhật Bản với 5 lò phản ứng, nhưng cũng chỉ chiếm một diện tích nhỏ hơn 40 ha, xung quanh là một công viên 180ha nữa, như vậy là tổng cũng chỉ chiếm có 120ha. Trong khi đó, các dự án khác, nhất là thủy diện phải cần tới 200-300km2.
Cái lo ngại nhất là an toàn năng lượng, an ninh tại đó thì chúng ta phải sử dụng những lò phản ứng thế hệ mới nhất, cho đến bây giờ là thế hệ thứ 3 để cho an toàn cao nhất.
Một số nhà khoa học trong nước cho rằng trình độ của ta về điện hạt nhân mới ở mức độ “xóa mù chữ”, vậy chúng ta có đủ năng lực không?
Tôi nghĩ rằng, trong quá trình vận dụng khoa học công nghệ vào nước ta thường có hai vấn đề quan trọng: ứng dụng khoa học công nghệ đó và quản lý, vận hành chúng.
Để quản lý vận hành một nhà máy như vậy, người ta chỉ cần có 11 người, chẳng lẽ đất nước ta không tìm được 11 người có kỷ luật cao, có đủ trí tuệ để làm việc đó. Còn số công nhân vận hành nhà máy cũng chỉ mấy trăm người.
Chúng tôi cho rằng, chúng ta có đủ năng lực để làm việc đó và để đào tạo một đội ngũ vận hành những vấn đề này cần thời gian khoảng 32 tháng. Từ nay đến 2020, còn 12 năm nữa, không lẽ chúng ta lại không đào tạo được mấy trăm người(?!)
Thưa, hiện có ý kiến đưa ra là cần tới 15 năm để đào tạo một đội ngũ đáng để “chọn mặt gửi vàng”?
Chúng tôi đã nghiên cứu và rất nhiều tài liệu khác cho thấy không phải là như vậy.
Trên thế giới, các nước cũng rất dè chừng với điện hạt nhân, trong khi chúng ta chỉ mới bắt đầu nhưng lại đồng thời xây dựng tới 4 lò phản ứng hạt nhân, thưa ông?
Chương trình đưa ra là như vậy. Nhưng chúng tôi được biết là sẽ làm lần lượt, mỗi năm làm một lò chứ không phải là làm ngay lập tức cả 4 lò. Tuy nhiên đây dự án lớn, là công trình quan trọng quốc gia, bao giờ cũng thông qua Quốc hội quyết định. Hiện vấn đề này cũng đang trong giai đoạn hội thảo, lấy ý kiến, chưa trình ra Quốc hội.
Về sản lượng, các nước sử dụng điện hạt nhân thường dưới 15%, nhưng chúng ta lại đặt mục tiêu 15% ?
Một số nước phát triển tốt, sản lượng điện hạt nhân chiếm tới 80% như Pháp, hay Nhật trên 20%, Mỹ cũng có 20%. Chúng ta mới bắt đầu đi và năm 2020 mới bắt đầu vận hành lò đầu tiên (Theo như hội thảo, chứ chưa phải quyết định của Nhà nước hay Quốc hội) thì từ nay đến 2020 thế giới đã tiến đi rất xa, cho nên chúng ta dự kiến đến lúc đấy đạt tỷ lệ 15% là rất khó so với tổng nguồn năng lượng điện chúng ta sử dụng.
Cho dù chúng ta vận hành cả 4 lò cũng không đủ 15% (4.000MW). Chưa kể, nhu cầu sử dụng điện của ta đến năm 2020 sẽ tăng lên rất nhiều.
-------------------------------------------------------------------------------------------------
No comments:
Post a Comment