Sunday, December 7, 2008

Sẽ xây hai nhà máy điện hạt nhân

03/11/2008
Bộ Công Thương Việt Nam đang lập dự án xây hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên, đặt tại tỉnh Ninh Thuận.

Tại một hội thảo quốc tế về điện hạt nhân ở Hà Nội hôm 31.10, Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, TS. Vương Hữu Tấn, nói mỗi nhà máy có hai lò phản ứng và tổng công suất hai nhà máy khoảng 4000MW.

Dự kiến nếu được Quốc hội thông qua vào đầu năm sau, công việc xây dựng sẽ tiến hành vào 2012 và nhà máy đầu tiên đi vào hoạt động năm 2020.

Đây là một dự án gây tranh cãi, với ý kiến cho rằng không nên xây một lúc bốn lò phản ứng.

Chuẩn bị nhân lực

Nói với báo điện tử VietnamNet, Viện trưởng Vương Hữu Tấn cho biết Viện của ông cùng năm trường đại học đang đào tạo nhân lực ngành ứng dụng năng lượng nguyên tử và điện hạt nhân.

Dự kiến một Trung tâm Đào tạo Hạt nhân cũng sẽ được thành lập.

Giới chức nói qua kết quả thăm dò ý kiến người dân, "đại đa số" đều ủng hộ điện hạt nhân.

Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 sẽ đặt ở huyện Ninh Phước, với tổng diện tích chiếm đất trên đất liền là 540ha, cộng thêm 310ha diện tích mặt nước ngoài biển.

Nhà máy số hai đặt ở huyện Ninh Hải, với diện tích 556ha trên đất liền.

Tập đoàn Điện lực VN (EVN) là chủ đầu tư Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận.

Những người ủng hộ đề án nói rằng trong bối cảnh thiếu điện hiện tại, sản xuất điện hạt nhân là nhu cầu hợp lý.

Trong một dấu hiệu cho thấy nhiều người trong Quốc hội có vẻ đồng thuận, ông Nguyễn Đăng Vang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, nói Việt Nam đủ năng lực để vận hành nhà máy điện hạt nhân.

Ông Vang cũng nói với báo Tiền Phong: "Để quản lý vận hành một nhà máy như vậy, người ta chỉ cần có 11 người, chẳng lẽ đất nước ta không tìm được 11 người có kỷ luật cao, có đủ trí tuệ để làm việc đó."

Ông nhận xét chỉ cần 32 tháng để đào tạo cán bộ và rằng "từ nay đến 2020, còn 12 năm nữa, không lẽ chúng ta lại không đào tạo được mấy trăm người."

Trong khi đó, ông Lê Tuấn Phong - Phó Vụ trưởng Vụ Năng lượng (Bộ Công Thương) - bảo vệ chủ trương xây bốn lò hạt nhân cùng lúc.

Ông Phong cho rằng "chỉ xây một lò về quy mô kinh tế là không hợp lý".

Ý kiến khác

Tuy vậy, có những ý kiến không đồng tình kế hoạch xây bốn lò hạt nhân một lúc.

GS. Phạm Duy Hiển, nguyên Viện trưởng Viện lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, nói công khai trên báo rằng chỉ nên xây một lò trước.

Ông Hiển cáo buộc có những người muốn xây nhiều chỉ để "bán được nhà máy, sau đó sẽ tính tiếp!"

Lý do GS. Hiển đưa ra là Việt Nam không có đủ "người am hiểu, làm chủ được công nghệ phức tạp, lại có hệ thống luật pháp nghiêm minh, biết quản lý theo công nghiệp hiện đại".

GS. Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, cũng được dẫn lời cho rằng ít nhất 15 năm mới có thể đào tạo đủ nguồn nhân lực.


Mai
Theo xu thế của thế giới hiện nay, người ta tìm cách sử dụng nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái sinh.

Ở nhiều nước châu Âu như Đức, chính phủ có dự án đóng cửa 2 nhà máy điện hạt nhân để giảm ô nhiễm. Ở Anh, mặc dù có thể xảy ra thiếu điện trong thời gian tới nhưng một số quan chức trong chính phủ đã kiên quyết nói không với việc xây dựng mới nhà máy điện hạt nhân.

Chất thải hạt nhân thật sự rất rất ô nhiễm và độc hại. Nhiều nước phát triển trên thế giới cũng đang đau đầu về chất thải hạt nhân.

Việt Nam là một nước nhiệt đới, trời nắng chang chang suốt ngày sao không phát triển năng lượng mặt trời cho sạch, an toàn và phù hợp với xu hướng hiện đại của thế giới nữa.

Có chuyên gia nước ngoài đã nói về VN "các bạn không có! nhà máy điện nguyên tử không có nghĩa là các bạn lạc hậu". Tui hoàn toàn không ủng hộ dự án này, mà thật sự có làm thăm dò hay không mà dám nói là "đại đa số người dân ủng hộ?"

Old Man
Tôi già rồi nhưng khi nghe tin VN dự kiến xây hai nhà máy điện hạt nhân thì mừng quá! Cầu trời cho tôi sống khỏe đến qua năm 2020 để được chứng kiến cảnh nhà máy điện hạt nhân VN hoạt động!

Tuy vậy, có một điều tôi hơi lo: không biết kinh phí xây dựng lần này có bị "bớt xén" như các dự án thông thường khác? Quý vị nên "tha" cho dự án tối quan trọng này nhé, phóng xạ nguyên tử chớ không phải "đồ giởn chơi" đâu! Nó mà bị rò rỉ là ta "không còn đất sống" đấy!

Cứu dân
Ố giời ơi, ngăn ngừa lụt lội còn chưa xong nữa mà bây giờ cả gan tính đến chuyện xây nhà máy điện hạt nhân. Lo mà bỏ của (nếu có?) chạy lấy người thôi làng nước ơi.

Anh Minh
Đào tạo một nguồn nhân lực phù hợp với những quá trình công nghệ cao không phải là một việc làm đơn giản, vì trình độ giáo dục của chúng ta hiện nay chưa đủ để đáp ứng sự phát triển của xã hội hiện tại về nhiều mặt, thì trong 32 tháng làm sao có thể đào tạo ra những chuyên viên kỹ thuật cao cấp được.

Ở những nước có nền công nghiệp hiện đại như CHLB Đức, quá trình đào tạo một nghề thông thường cũng cần đến 30 dến 42 tháng.

Tôi không biết quốc hội của chúng ta đã có những người đủ trình độ chuyên môn để đánh giá đúng mức về vấn đè hay chưa?

Tuân
Có những công trình thế này, "nếu" thật sự được xây dựng tốt thì sẽ là niềm hy vọng của Việt Nam tương lai.

Nhưng ngược lại, xây cái cầu Thủ Thiêm vừa dùng đã nứt thì tôi lại thấy giật mình lo lắng với công trình này. Hy vọng các bác ăn ít thôi cho dân chúng đỡ sợ. Hạt nhân khác với cái cầu thông thường.


Source:bbc

-------------------------------------------------------------------------------------------------

No comments:

Post a Comment

Add to Technorati Favorites

From vituyen blog