Người dân ở Phước Dinh, Phước Sơn (Ninh Thuận) sẽ được sống trong môi trường rất sạch sẽ, con em được đến trường học, có bệnh viện khám bệnh định kỳ. Họ sẽ có tất cả các điều kiện khác cho cuộc sống bình thường.
Đó là khẳng định của ông Hoàng Văn Phong, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, về những quyền lợi của người dân tại 2 huyện của tỉnh Ninh Thuận được chọn để xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
- Xin ông cho biết lý do nào thúc đẩy VN phải xây dựng nhà máy điện hạt nhân ?
- Điện năng là một lĩnh vực quan trọng quyết định sự phát triển nền kinh tế của bất kỳ quốc gia nào và năng lượng hạt nhân là loại năng lượng sạch đóng góp ngày càng to lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội của loài người. Trong những năm qua, cùng với sự tăng trưởng của nền kinh tế xã hội, nhu cầu về năng lượng và điện năng của nước ta không ngừng tăng lên và sẽ còn tăng cao trong những năm tiếp theo.
Theo dự báo của Bộ Công Thương, nhu cầu điện sản xuất ở Việt Nam (theo phương án cơ sở) là 294 tỷ kWh vào năm 2020 và 562 tỷ kWh vào năm 2030. Trong khi đó, khả năng cung cấp nhiên liệu từ các nguồn năng lượng sơ cấp của Việt Nam cho sản xuất điện năng chỉ đáp ứng được khoảng 230 tỷ kWh vào năm 2020 và 293 tỷ kWh vào năm 2030.
Trước tình hình đó, từ nhiều năm nay, Chính phủ đã xem xét và giao cho các bộ ngành liên quan tiến hành nghiên cứu phát triển điện hạt nhân, đặc biệt là dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam.
- VN có gặp khó khăn gì trong quá trình xúc tiến xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên này, thưa ông ?
- Những khó khăn này không chỉ riêng của chúng ta mà là đặc thù của những nước đang phát triển khi tác phong công nghiệp chưa hình thành, kỷ cương trong sản xuất chưa được siết chặt. Chúng ta chưa có giai đoạn để những tác phong lao động này thấm vào từng con người.
Nhưng với sự tập trung, nỗ lực đào tạo nhân lực, giám sát một cách sát sao trong quá trình vận hành trong một quy trình công nghệ chặt chẽ thì chúng ta vẫn có thể làm được bởi vì ta có kinh nghiệm học hỏi từ nước khác.
Người Việt Nam nếu tập trung phấn đấu quyết liệt thì đều có thể học hỏi và làm được.
- Được biết, để xây dựng nhà máy điện hạt nhân, VN cần một khoản kinh phí rất lớn. Chúng ta dự định huy động từ những nguồn nào, thưa ông ?
- Hiện nay nhu cầu phát triển điện hạt nhân trên thế giới rất lớn. Việt Nam chỉ là một trong mấy chục quốc gia đó. Bởi, đây là nguồn năng lượng rất có hiệu quả nên nhiều tập đoàn, nhiều công ty trên thế giới muốn đầu tư để phát triển và trong quá trình đầu tư ấy họ sẽ nhận lại được những lợi nhuận.
Tuy nhiên, đó không phải là lợi nhuận trước mắt mà là lợi nhuận lâu dài vì thế chúng ta có cơ hội để các tổ chức quốc tế, các ngân hàng, các tập đoàn cho vay dưới nhiều dạng. Vì vậy, chuyện tài chính tuy không dễ nhưng cũng không phải là những khó khăn đầu tiên, khó khăn duy nhất đối với chúng ta.
- Vậy, xin ông có thể tiết lộ, nguồn vốn huy động trong nước từ đâu và đóng góp của VN là bao nhiêu?
- Thực ra, đây cũng là yếu tố cần tính đến. Rất nhiều tập đoàn từ nhiều quốc gia sẵn sàng bỏ vốn đầu tư. Sau đó họ thu lại vốn đầu tư và lợi nhuận đó sau vài ba chục năm. Đó là một xu hướng đầu tư lâu dài và bài bản.
Hiện nay, đề án này đang được nghiên cứu và xây dựng nên chưa có con số cụ thể về sự đóng góp này.
- Xin ông cho biết phản ứng của người dân ở Phước Dinh, Phước Sơn khi địa điểm xây dựng nhà máy được lựa chọn là 2 huyện này ?
- Ở đâu cũng vậy, khi xây dựng nhà máy điện hạt nhân, đều có những phản ứng tự nhiên từ dân cư bởi vì đi cùng với những lợi ích của nó bao giờ cũng kéo theo những tiềm ẩn nguy cơ. Nguy cơ tiềm ẩn là có nhưng chúng ta có khả năng chế ngự, hạn chế nguy cơ. Bởi, chúng ta dựa vào công nghệ, quy trình công nghệ hết sức chặt chẽ và hiện đại.
Như ở Đức, có thời gian người ta không cho xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Nhưng đến nay, người ta lại thấy đó là sự ngộ nhận bởi họ đã ứng dụng công nghệ hiện đại hơn, chế ngự được rủi ro. Ngay chính người dân Đức cũng có bộ phận dân phản đối nhưng cũng có bộ phận dân hết lòng ủng hộ.
Đối với công trình này, có người ủng hộ, có người không ủng hộ và cũng có thể có những người suốt cả đời không bao giờ ủng hộ. Nhưng cơ bản là phải có sự đồng thuận ở mức tối đa bởi, đây là vì lợi ích chung của cả quốc gia.
- Với Ninh Thuận, đặc biệt là 2 huyện Phước Dinh và Phước Sơn, chúng ta có chế độ ưu đãi như thế nào, thưa ông?
Hiện nay, các chính sách ưu đãi trên thế giới rất nhiều, vấn đề là VN có làm được bằng hoặc hơn các nước hay không.
Thời gian xây dựng dự kiến vào năm 2013 - 2014 và sẽ bắt đầu khai thác vào 2020 - 2021.
Đó sẽ trở thành nơi rất sạch sẽ vì điện hạt nhân là điện sạch, đảm bảo môi trường tự nhiên, sạch đẹp như công viên. Người dân được hưởng mọi chế độ như môi trường sống, con em được đến trường học, có bệnh viện khám bệnh định kỳ, có tất cả các điều kiện khác cho cuộc sống bình thường. Chúng ta phải thực hiện được điều này vì sự đồng thuận xây dựng nhà máy điện hạt nhân được xem như là sự hy sinh, phấn đấu vì lợi ích quốc gia.
Bởi vì cam kết 100 năm không xảy ra sự cố, nhưng có thể năm thứ 101 lại xảy ra. Chính nhân dân địa phương là những người phải gánh chịu đầu tiên. Do đó, chúng ta phải có những chính sách ưu tiên ưu đãi hơn hẳn những nơi khác.
Việc này không phải chỉ lúc nào xảy ra mới ưu tiên mà được làm ngay từ khi xây dựng nhà máy. Đây là chuyện bình thường bởi không làm ở tỉnh này thì làm tỉnh khác, không ở huyện này thì ở huyện khác, tất cả vì lợi ích quốc gia.
Luật Năng lượng nguyên tử đã được thông qua cũng tạo cơ sở, nền tảng và hành lang pháp lý cho toàn bộ hoạt động về hạt nhân ở Việt Nam trong đó có việc xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân của chúng ta.
Xin cảm ơn ông!
Source: phapluat
-------------------------------------------------------------------------------------------------
No comments:
Post a Comment