Sunday, November 23, 2008

30 NĂM VIỆN NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ VIỆT NAM: THỜI CƠ VÀ VẬN HỘI

04/2006
Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (NLNTVN) được thành lập sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đến nay vừa tròn 30 năm (1976-2006). Năm kỷ niệm 30 năm thành lập Viện được đánh dấu bằng sự kiện Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công bố Chiến lược ứng dụng NLNT vì mục đích hoà bình đến năm 2020. Điều đó khẳng định sự quan tâm và đánh giá cao vai trò của NLNT như một ngành kinh tế kỹ thuật đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đối với Viện NLNTVN, Chiến lược này đã thực sự tạo ra những thời cơ và vận hội mới để Viện có thể xây dựng thành một trung tâm nghiên cứu - triển khai công nghệ kỹ thuật cao ngành NLNT ngang tầm các nước tiến tiến trong khu vực.

Với 30 năm tồn tại và phát triển, Viện đã thu được nhiều kết quả tốt trong việc đưa khoa học và công nghệ hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đưa nghiên cứu phát triển điện hạt nhân từ trong phòng thí nghiệm ra các hoạt động chuẩn bị đầu tư, xây dựng đội ngũ và cơ sở vật chất, đảm bảo sự phát triển bền vững và không ngừng mở rộng hợp tác quốc tế.

Với sự đóng góp tích cực của Viện cả về cung cấp dược chất phóng xạ, sửa chữa và bảo dưỡng thiết bị, đào tạo cán bộ và tư vấn kỹ thuật, mạng lưới các cơ sở y học hạt nhân đã được hình thành trong cả nước với hơn 20 cơ sở phục vụ hiệu quả cho nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Một số công nghệ mới như xạ trị áp sát, khử trùng dụng cụ y tế và chế tạo màng trị bỏng bằng kỹ thuật bức xạ cũng đã được Viện nghiên cứu và chuyển giao cho ngành y tế. Viện thường xuyên thực hiện việc kiểm chuẩn thiết bị xạ trị và X-quang cũng như đảm bảo an toàn bức xạ trong các hoạt động này cho các cơ sở y tế và trở thành một địa chỉ tin cậy về chuyên môn trong cả nước. Gần đây, Viện đã hợp tác với Bệnh viện Trung ương quân đội 108 và Bệnh viện Chợ Rẫy xây dựng dự án PET-Cyclotron nhằm đưa công nghệ mới trong chẩn đoán bệnh, đặc biệt là chẩn đoán sớm ung thư vào Việt Nam. Trên cơ sở này sẽ hình thành một trung tâm quốc gia về y học hạt nhân và xạ trị đặt tại Bệnh viện 108.

Là đơn vị đi tiên phong trong việc chuyển giao kỹ thuật kiểm tra không phá huỷ (NDT) vào Việt Nam, tạo điều kiện cho việc hình thành cộng đồng NDT Việt Nam (Hội NDT Việt Nam) với hàng trăm hội viên, Viện tiếp tục giữ vững vai trò là cơ quan đào tạo cán bộ trong lĩnh vực NDT ở Việt Nam, đồng thời tổ chức triển khai hiệu quả kỹ thuật NDT để kiểm tra đánh giá chất lượng công trình giao thông và xây dựng như: Cầu Mỹ Thuận, cầu Sông Gianh, cầu Việt Trì, Nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ, Khu chế xuất Tân Thuận, các cơ sở đóng tàu của VINASHIN,... Về lĩnh vực điều khiển hạt nhân tự động (NCS), Viện đã thực hiện nghiên cứu thiết kế cũng như bảo dưỡng kỹ thuật cho nhiều hệ NCS trong các nhà máy công nghiệp như xi măng Hà Tiên, giấy Bãi Bằng, bia Khánh Hoà,... Kỹ thuật đánh dấu đồng vị phóng xạ đã được nghiên cứu và ứng dụng có hiệu quả trong khảo sát sa bồi cảng Hải Phòng, cảng Thuận An, các hồ chứa nước (Trị An, Thác Mơ, Đa Nhim,…) và tìm bãi đổ cát nạo vét tối ưu cho luồng tàu Nam Triệu. Trong mấy năm gần đây, kỹ thuật này đã được áp dụng để đánh giá dầu dư bão hoà trong các giếng khoan, tối ưu quy trình khai thác để nâng cao suất thu hồi dầu trong khai thác dầu khí và giải quyết một số vấn đề kỹ thuật trong thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí.

Viện đã triển khai ứng dụng kỹ thuật thủy văn đồng vị nghiên cứu đánh giá nguồn gốc, tuổi, lượng bổ cấp, hướng chảy, lưu lượng, độ phân tán, thời gian lưu, nguồn gốc ô nhiễm, tình trạng ô nhiễm và khả năng mặn hoá các nguồn nước ngầm cho khu vực thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và một số tỉnh phía Nam. Hiện tại, phòng thí nghiệm thủy văn đồng vị của Viện là cơ sở nghiên cứu mạnh nhất trong khu vực Đông Nam á.

Trong nông nghiệp, Viện đã nghiên cứu tạo giống bằng kỹ thuật đột biến phóng xạ cho một số loại cây trồng như lúa, khoai tây, hoa cúc, Giống lúa thơm đột biến với năng suất cao, chất lượng tốt phục vụ xuất khẩu và có khả năng thích ứng rộng đã được tạo ra và đang chuẩn bị để xin đăng ký là giống khu vực và giống quốc gia trong thời gian tới. Kỹ thuật đánh dấu đồng vị đã được phát triển và ứng dụng có kết quả để nghiên cứu chế độ bón phân tối ưu cho một số loại lúa trồng trên các nền đất khác nhau ở Nam Bộ và được nông dân sử dụng, gia tăng hiệu quả kinh tế. Kỹ thuật hạt nhân cũng được nghiên cứu và triển khai áp dụng thử nghiệm nhằm điều chỉnh chế độ tưới nước thích hợp cho cây cà phê ở Bình Phước. Viện đã nghiên cứu và sản xuất thành công chế phẩm kích thích tăng trưởng và bảo vệ thực vật bằng công nghệ bức xạ với năng suất tăng 20-30% cho nhiều loại cây; thử nghiệm kỹ thuật chiếu xạ để khử trùng cơ chất trồng nấm thực phẩm, nấm dược phẩm cao cấp phục vụ xuất khẩu, chuyển giao quy trình trồng một số loại nấm quý như linh chi, bào ngư cho nông dân. Kỹ thuật chiếu xạ thanh trùng thủy hải sản đã được Viện ứng dụng thành công và mở ra một nghề mới cho các doanh nghiệp trong nước đầu tư phát triển, phục vụ hiệu quả chương trình xuất khẩu thủy, hải sản của đất nước.

Trong điều kiện đầu tư còn hạn chế, nhưng Viện đã thực hiện tốt nhiệm vụ theo dõi phóng xạ môi trường, bước đầu hình thành được cơ sở dữ liệu phông phóng xạ môi trường của nước ta trước khi có nhà máy điện hạt nhân và thường xuyên theo dõi cảnh báo về hiện trạng phóng xạ môi trường. Các nghiên cứu ô nhiễm môi trường biển, môi trường không khí đã được triển khai có kết quả và tham gia đóng góp tích cực vào hoạt động chung của thế giới và khu vực về lĩnh vực này. Tình trạng ô nhiễm các nguyên tố kim loại nặng, độc trong môi trường nước và trong một số loại sinh vật ở thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã được nghiên cứu nhằm đánh giá hiện trạng, tìm nguyên nhân và đề xuất các giải pháp hạn chế, khắc phục. Việc xử lý ô nhiễm cho một số cơ sở công nghiệp vừa và nhỏ cũng như nước thải của một số nhà máy công nghiệp đã được Viện nghiên cứu và chuyển giao thiết bị, dây chuyền công nghệ xử lý.

Một mảng lớn trong các hướng nghiên cứu của Viện là công nghệ các nguyên tố xạ hiếm. Viện đã nghiên cứu phát triển công nghệ và thử nghiệm thành công các quy trình xử lý quặng uran, điều chế uran kỹ thuật, tinh chế loại bỏ tạp chất, điều chế bột UO2 và chế tạo gốm UO2 với tính chất gần với gốm nhiên liệu hạt nhân. Về đất hiếm, Viện là một trong những đơn vị đi đầu trong nước về kỹ thuật chiết với độ sạch 2-3 con số 9, quy mô điều chế đã nâng lên mức hàng tấn/năm. Nhiều quy trình sản xuất và thiết bị liên quan đến khai thác và chế biến sa khoáng ven biển đã được nghiên cứu và chuyển giao cho cơ sở sản xuất. Hàng năm, Viện đã sản xuất và cung cấp cho thị trường một khối lượng lớn hoá chất công nghiệp có chất lượng, được người sử dụng đánh giá cao, như các hợp chất của kẽm, các chất ổn định nhiệt cho gia công nhựa.

Nghiên cứu phát triển điện hạt nhân là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Viện. Từ ngày đầu thành lập, Viện đã thành lập Phòng điện nguyên tử với các nghiên cứu về quy hoạch và lựa chọn địa điểm cho phát triển điện hạt nhân. Sau đó các nghiên cứu được mở rộng để làm rõ các vấn đề về khoa học - công nghệ và kinh tế - xã hội đối với việc phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam và chuẩn bị nguồn nhân lực cho chương trình phát triển điện hạt nhân dài hạn của đất nước. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ về nghiên cứu phát triển điện hạt nhân (Công văn số 7126/KTTH ngày 21.12.1994), Viện đã tổ chức nghiên cứu một cách có hệ thống các vấn đề liên quan đến phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam. Các kết quả nghiên cứu là cơ sở để 2 Bộ: Khoa học và Công nghệ (lúc đó là Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường) và Bộ Công nghiệp xây dựng báo cáo trình Chính phủ về khả năng phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam ngày 25.8.1999. Ngày 7.5.2001, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp nghe báo cáo về phát triển điện hạt nhân, cho phép tiến hành các nghiên cứu tiếp theo và thành lập Tổ công tác chỉ đạo quốc gia để chỉ đạo các hoạt động có liên quan.

Ba nhiệm vụ quan trọng mà Viện đã thực hiện theo yêu cầu của Thủ tướng là: Xây dựng Chiến lược phát triển NLNTVN; Nghiên cứu làm rõ 7 vấn đề quan trọng trong phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam và tham gia nghiên cứu lập báo cáo tiền khả thi dự án nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam. Các nghiên cứu đã được hoàn thành và trình Chính phủ xem xét trong năm 2005. Ngày 3.1.2006, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 01/2006/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược ứng dụng NLNT vì mục đích hoà bình đến năm 2020. Đây là một mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển NLNT ở Việt Nam và lần đầu tiên, lĩnh vực NLNT ở nước ta đã được Chính phủ xem như một ngành.

Với sự nhìn nhận nghiên cứu cơ bản là cơ sở để phát triển các nghiên cứu ứng dụng, không có khoa học cơ bản thì không thể có khoa học ứng dụng thực sự, Viện đã quan tâm, tạo điều kiện phát triển một số hướng nghiên cứu cơ bản về hạt nhân như lý thuyết hạt nhân, vật lý năng lượng cao, cấu trúc hạt nhân, phản ứng hạt nhân và các lĩnh vực khác như sinh học, hoá học, vật liệu. Nhiều công trình nghiên cứu của Viện đã được công bố ở các tạp chí quốc tế có uy tín.

Công tác đảm bảo an toàn bức xạ và hạt nhân luôn được quán triệt và thực hiện tốt trong mọi lĩnh vực hoạt động của Viện, trong đó việc đảm bảo an toàn trong hoạt động của lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt là ưu tiên số một của Viện. Tính đến nay, lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt đã vận hành tuyệt đối an toàn trong 22 năm, chưa hề xảy ra bất kỳ sự cố nào ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và gây ô nhiễm môi trường. Các thiết bị bức xạ khác của Viện cũng được đảm bảo vận hành an toàn tuyệt đối. Công tác nghiên cứu - phát triển các kỹ thuật đo liều bức xạ đã thu được kết quả tốt, giúp cho Viện có thể đảm bảo toàn bộ dịch vụ đo liều bức xạ trong toàn quốc. Phòng chuẩn cấp II của Viện VILAS-17 đã thực hiện việc kiểm chuẩn các thiết bị bức xạ và thiết bị đo liều trong cả nước, góp phần đảm bảo an toàn bức xạ và nâng cao chất lượng sử dụng các thiết bị bức xạ, đặc biệt là trong chẩn đoán và điều trị. Công việc quản lý thải phóng xạ đã được chuẩn hoá theo tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo an toàn cho nhân viên bức xạ và môi trường.

Công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực là cơ sở đảm bảo cho sự phát triển bền vững của Viện. Với chủ trương đào tạo thông qua công việc, nhiều cán bộ đã trưởng thành thông qua các hoạt động nghiên cứu - phát triển trong Viện và trở thành những chuyên gia giỏi, có khả năng chủ trì các hướng nghiên cứu lớn hiện nay của Viện, có khả năng trao đổi bình đẳng với các chuyên gia quốc tế và được mời làm chuyên gia cho một số nước, cho Cơ quan NLNT quốc tế (IAEA). Ngoài ra, Viện cũng đã sử dụng triệt để các hình thức đào tạo ngoài nước để nâng cao trình độ cán bộ như đào tạo nghiên cứu sinh, cộng tác viên khoa học và thực tập sinh ngắn hạn, dài hạn. Hàng năm, hàng trăm lượt cán bộ đã được cử đi tu nghiệp nâng cao trình độ ở nước ngoài. Bên cạnh đó, Viện đã tổ chức nhiều khoá huấn luyện, hội thảo, hội nghị khoa học quốc tế và khu vực, tạo điều kiện cho cán bộ của Viện mở rộng giao lưu quốc tế, nâng cao kiến thức. Viện cũng đã quan tâm giúp đỡ các trường đại học trong công tác đào tạo sinh viên như thực tập chuyên đề, làm luận văn tốt nghiệp. Viện đã được Chính phủ cho phép đào tạo tiến sỹ cho 5 chuyên ngành: Vật lý hạt nhân nguyên tử, vật lý lý thuyết, hoá phân tích, hoá vô cơ và hoá phóng xạ. Hiện nay, Viện có 681 cán bộ với tuổi trung bình là 42, trong đó đại học - 361 người, thạc sỹ - 78 người, tiến sỹ và GS, PGS - 62 người. Đây là lực lượng quan trọng góp phần đưa ứng dụng kỹ thuật hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và tham gia chương trình nghiên cứu phát triển điện hạt nhân.

Được sự quan tâm của Nhà nước và sự giúp đỡ quốc tế, cơ sở vật chất của Viện trong 30 năm qua đã luôn được đổi mới và nâng cấp. Các cơ sở nghiên cứu như lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, pilot xử lý monazit, 2 trung tâm chiếu xạ quy mô công nghiệp và bán công nghiệp, các phòng thí nghiệm chuyên đề về ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp, nông nghiệp, thủy văn đồng vị, an toàn bức xạ và môi trường, sản xuất đồng vị phóng xạ, phân tích, điện tử, vật lý hạt nhân, vật lý vũ trụ, xử lý thải,... đã được được đầu tư nâng cấp thường xuyên và được khai thác sử dụng hiệu quả. Mặc dù đã có những cơ sở vật chất tương đối tốt, nhưng Viện NLNTVN vẫn cần được sự đầu tư tiếp tục của Nhà nước để hiện đại hoá các phòng thí nghiệm, đảm bảo tính đồng bộ trong việc triển khai các nghiên cứu, xứng đáng là cơ quan nghiên cứu đầu ngành về hạt nhân của Việt Nam.

Các thành tựu của Viện trong 30 năm qua gắn bó chặt chẽ với việc đẩy mạnh và mở rộng hợp tác quốc tế. Được Chính phủ và Bộ Khoa học và Công nghệ cho phép là đầu mối hợp tác quốc tế về kỹ thuật trong lĩnh vực NLNT của Việt Nam, Viện đã tổ chức và sử dụng có hiệu quả các kênh hợp tác quốc tế phục vụ phát triển ngành như hợp tác với các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, với IAEA, hợp tác vùng (RCA), hợp tác hạt nhân châu á (FNCA) và hợp tác song phương với các nước. Việc khai thác tốt quan hệ hợp tác quốc tế trong thời gian qua đã tạo nên một nguồn lực quan trọng trong việc tăng cường trang thiết bị, đào tạo cán bộ và trao đổi thông tin. Một nhiệm vụ rất quan trọng trong công tác hợp tác quốc tế của Viện là chủ trì, phối hợp với các cơ quan ở trong nước và các đối tác nước ngoài chuẩn bị các công ước quốc tế và các hiệp định hợp tác với các nước về NLNT. Đây là những vấn đề rất nhạy cảm về chính trị quốc tế, có ảnh hưởng không chỉ đến hoạt động nghiên cứu - phát triển và ứng dụng NLNT mà cả những vấn đề về an ninh quốc phòng của đất nước. Tính đến nay, Viện đã chủ trì chuẩn bị cho Nhà nước ta ký kết và tổ chức triển khai thực hiện tốt 8 công ước quốc tế, 5 hiệp định hợp tác cấp chính phủ với các nước, góp phần tạo niềm tin của cộng đồng quốc tế về chủ trương phát triển NLNT của Nhà nước và phục vụ hiệu quả cho việc chuyển giao công nghệ và đào tạo cán bộ về NLNT.

30 năm là khoảng thời gian còn quá ngắn với việc xây dựng và phát triển một viện khoa học và công nghệ cao như Viện NLNT Việt Nam. Sau 30 năm phát triển và trưởng thành, Viện đang đứng trước những thời cơ và vận hội mới, khi Chiến lược ứng dụng NLNT vì mục đích hoà bình đến năm 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tự hào về những thành tích đã đạt được, Viện sẽ nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa, phát huy những thành quả và truyền thống của mình để góp phần xứng đáng vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đưa NLNT từng bước trở thành một ngành công nghiệp công nghệ cao phục vụ hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội như mục tiêu đã đặt ra trong Chiến lược ứng dụng NLNT vì mục đích hoà bình.
Source: tchdkh.org.vn

-------------------------------------------------------------------------------------------------

No comments:

Post a Comment

Add to Technorati Favorites

From vituyen blog