Wednesday, November 26, 2008

Điện hạt nhân thiếu cơ chế pháp lý

02/10/2007
Báo cáo đánh giá của các nhà chuyên môn cho thấy việc ứng dụng nguồn năng lượng nguyên tử tại Việt Nam vẫn còn nhỏ bé.

Cho đến nay, ở Việt Nam kỹ thuật hạt nhân được nghiên cứu và ứng dụng chủ yếu trong lĩnh vực như nông nghiệp tạo giống cây trồng, chế tạo các chế phẩm kích thích tăng trưởng và bảo vệ thực vật, sản xuất phân vi sinh, quản lý đất, nước và nghiên cứu bệnh học gia súc. Một số giống cây trồng có giá trị đã được tạo ra bằng kỹ thuật hạt nhân, đặc biệt là các giống lúa năng suất, chất lượng cao và thích ứng các môi trường khác nhau.

Kỹ thuật hạt nhân cũng được ứng dụng khá nhiều trong công nghiệp, xây dựng, giao thông và gần đây là trong nghiên cứu nâng cao hiệu suất thăm dò và khai thác dầu khí. Trong y tế, mạng lưới y học hạt nhân đã hình thành với trên 20 cơ sở bước đầu với một số kỹ thuật bức xạ hiện đại trong chẩn đoán, điều trị các bệnh nan y như ung thư, tim mạch...

Trong khi đó, ứng dụng năng lượng hạt nhân trong lĩnh vực phát triển điện vẫn đang trong giai đoạn mục tiêu, lấy năm 2020 làm mốc để xây dựng, vận hành nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam. Hiện tại, các vấn đề mới triển khai như công nghệ, nhiên liệu, chất thải, địa điểm, nhân lực, tài chính... mới dừng lại ở mức nghiên cứu hệ thống.

Hiện ở Việt Nam chỉ có một lò phản ứng nghiên cứu công suất thấp (500 kW) sử dụng cho các mục đích nghiên cứu, đào tạo, sản xuất đồng vị phóng xạ đáp ứng một phần nhu cầu sử dụng dược chất phóng xạ trong nước.

Thực trạng yếu kém và thiếu thốn về hạ tầng kỹ thuật, tài chính, nguồn nhân lực và đặc biệt là cơ chế, chính sách chưa đầy đủ đã khiến cho việc nghiên cứu và ứng dụng năng lượng nguyên tử ở Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội. Đóng góp của ứng dụng kỹ thuật hạt nhân cho tăng trưởng GDP là rất nhỏ, ngay y tế là ngành có ứng dụng nhiều nhất và sớm nhất nhưng so với các chỉ số ứng dụng năng lượng nguyên tử của thế giới thì còn ở mức quá thấp.

Ví dụ tiêu chuẩn của WHO cần phải có 20 thiết bị chẩn đoán/1 triệu dân, trong khi ở Việt Nam mới đạt 20 thiết bị/84 triệu dân. Đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam theo đầu người hàng năm chỉ bằng 1/4 Philippines, 1/20 Thái Lan và 1/200 Nhật Bản.

Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn tới các bất cập nêu trên là việc thiếu các cơ chế, chính sách điều chỉnh phù hợp của Nhà nước. Mặc dù đã có một số quy định xen kẽ về lĩnh vực này trong một số văn bản như Luật Bảo vệ môi trường, Luật Dân sự, Luật Khoáng sản, nhưng cho đến nay, văn bản pháp luật duy nhất có tính chuyên ngành mới chỉ ở tầm pháp lệnh và cũng chỉ điều chỉnh một khía cạnh nhỏ trong lĩnh vực ứng dụng năng lượng nguyên tử là vấn đề an toàn và kiểm soát bức xạ.

Sau hơn 10 năm trải nghiệm, lĩnh vực năng lượng hạt nhân vẫn được quy định sơ lược, tản mạnh, thiếu đồng bộ, chưa có các quy định đặc thù điều chỉnh vấn đề đầu tư, xây dựng, vận hành, bảo dưỡng và bảo đảm an toàn nhà máy điện hạt nhân. Cũng chưa có các quy định về an toàn hạt nhân, thanh sát hạt nhân, an ninh nguồn phóng xạ và vật liệu hạt nhân, đặc biệt là vấn đề ứng phó với sự cố và bồi thường thiệt hại về hạt nhân.

Mặc dù Việt Nam đã có lộ trình Chiến lược và Kế hoạch tổng thể ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020, nhưng để đạt được các mục tiêu đề ra của Chiến lược, để có thể xây dựng và vận hành an toàn nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam trong thập kỷ tới, đưa ngành năng lượng nguyên tử thực sự trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật mũi nhọn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thì việc xây dựng, ban hành một hệ thống cơ chế pháp lý phù hợp là điều tiên quyết.

Source: vneconomy

-------------------------------------------------------------------------------------------------

No comments:

Post a Comment

Add to Technorati Favorites

From vituyen blog