Friday, November 28, 2008

Làm rớt thỏi nguyên liệu phóng xạ: Không thể là bất khả kháng

31-12-2007
Luật đã quy định chất phóng xạ là nguồn nguy hiểm cao độ, người sử dụng phải tuân thủ các quy định về bảo quản, trông giữ, vận chuyển...

Trưa ngày 28-12, một thỏi nguyên liệu phóng xạ dùng để chụp cắt lớp các mối hàn nối trên giàn khoan Bunga Orkid D (BOD) tại cảng Hạ Lưu, phường 9, TP Vũng Tàu (BR-VT) đã rớt xuống giàn khoan, nơi có khoảng hơn 400 công nhân đang làm việc. 145 công nhân đã phải vào bệnh viện cấp cứu.

Trong lúc dư luận đang lo lắng cho sức khỏe của những công nhân này thì có ý kiến cho rằng đây chỉ là trường hợp bất khả kháng, chỉ hỗ trợ chứ không phải bồi thường.

Bất khả kháng phải đủ ba điều kiện

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Trưởng ban Tuyên truyền Hội Luật gia TP.HCM khẳng định: “Việc thỏi nguyên liệu rớt ra này không thể gọi là trường hợp bất khả kháng được”.

Luật sư Hậu cho biết theo Điều 161 Bộ luật Dân sự, sự kiện bất khả kháng phải đáp ứng được ba điều kiện: xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được; không thể khắc phục được; đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Điều 623 Bộ luật Dân sự đã quy định rõ nguồn phóng xạ là nguồn nguy hiểm cao độ. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải tuân thủ các quy định bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng các quy định của pháp luật.

Luật sư Hậu phân tích: “Chỉ cần phân tích việc nếu đúng theo quy trình làm việc: theo nguyên tắc, khi chụp phóng xạ thì không ai được có mặt trên giàn. Nhưng theo tường trình của Công ty Alpha (nhà thầu đảm nhận chụp phóng xạ của công trình) thì đơn vị này vẫn tiếp tục chụp các mối hàn quá thời điểm 12 giờ 30 khi công nhân ở dưới đã bắt đầu vào làm việc, chứng tỏ họ đã vi phạm các quy định về an toàn chất phóng xạ. Các quy định còn chưa chấp hành thì không thể nói là “Tôi rơi vào trường hợp bất khả kháng được”.

Sự kiện bất khả kháng phải đáp ứng được ba điều kiện: xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được; không thể khắc phục được; đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Luật sư Nguyễn Minh Luận, Đoàn luật sư TP.HCM nhận định thận trọng hơn: “Để biết rõ có là bất khả kháng hay không phải chờ vào kết luận của cơ quan chức năng và sự chứng minh của Công ty Alpha. Tuy nhiên theo tôi, khi đã quản lý nguồn nguy hiểm cao độ thì anh phải nắm rõ quy trình nghiêm ngặt của nó. Ở đây chưa thấy yếu tố bất khả kháng nào như bão lũ, tai nạn xảy ra với người vận hành nguồn phóng xạ... nên khó có thể chứng minh được tình huống bất khả kháng. Sự việc này xảy ra, Công ty Alpha phải chịu trách nhiệm”.

Nếu sức khỏe bị ảnh hưởng, phải bồi thường

Luật sư Hậu nhận định: “Vì tai nạn này xảy ra tại nơi làm việc nên theo quy định của luật lao động, đây được coi là một vụ tai nạn lao động”.

Theo quy định của pháp luật, khi tai nạn lao động xảy ra, trước tiên người lao động sẽ được phía bảo hiểm chi trả các khoản tiền chi phí để khám, chữa bệnh. Chủ doanh nghiệp phải bồi thường cho người bị tai nạn. “Ở trường hợp bị nhiễm xạ, ảnh hưởng tới sức khỏe người ta có thể rất nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng đời mình mà còn có thể ảnh hưởng tới những đời sau nên theo tôi, mức bồi thường này có thể lớn hơn các trường hợp bị tai nạn lao động thông thường khác. Nếu doanh nghiệp không chấp nhận yêu cầu bồi thường, người lao động có thể làm đơn khởi kiện doanh nghiệp ra tòa”.

GS-TS Nguyễn Thị Kim Ngân, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Lý Sinh, Trường đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia:

Nhiễm xạ nặng có thể chết ngay!

Chất phóng xạ có tác hại cực kỳ nghiêm trọng với sức khỏe của con người. Một lượng phóng xạ nhỏ nhất xuyên qua tế bào sống có thể làm tổn thương lâu dài đến mô, ảnh hưởng đến hoạt động tế bào hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng khác đến con người như ung thư và chết, tùy lượng chất phóng xạ mà cơ thể hấp thụ, loại phóng xạ, cách tiếp xúc và thời gian tiếp xúc. Chất phóng xạ gây tổn thương nghiêm trọng phân tử DNA di truyền, làm các tế bào không bình thường được hình thành và sản sinh, đưa đến việc tăng nguy cơ ung thư hoặc các ảnh hưởng xấu khác đối với sức khỏe.

Hiểu một cách đơn giản, khi bị nhiễm xạ, tế bào trong cơ thể con người sẽ tạo ra những tế bào “gốc tự do”, nghĩa là gốc không tích điện âm hay dương. Những tế bào bị biến đổi này lại tiếp tục tạo ra những phản ứng dây chuyền khác “sinh sôi nảy nở” số tế bào “gốc tự do” lên gấp nhiều lần theo cấp số nhân. Cơ chế này giống y hệt cơ chế của bệnh ung thư. Người bị nhiễm xạ, nếu ở mức độ nặng có thể bị chết ngay, thường gọi là “chết dưới tia”. Nếu nhiễm ở mức độ nhẹ, có thể bị mất khả năng đề kháng mà mắc một số bệnh khác hoặc mắc bệnh ung thư, gọi là “chết dần chết mòn” .

Để gọi sự nguy hiểm của các tế bào do nhiễm xạ mà sinh ra, chúng tôi gọi các tế bào này là “những thằng điên”. Vì trên đường đi của nó, nó “quét sạch” và tương tác với tất cả những phân tử, nguyên tử nào nó gặp.

Đánh giá về nguồn phóng xạ bị rơi theo hồ sơ thiết bị mà Công ty Alpha trình báo (cường độ phóng xạ 100,51 Ci; đến ngày xảy ra sự cố (28-12), cường độ phóng xạ là 26,68 Ci, kích thước ba mm, gắn trong thiết bị đo kiểm tra mối hàn) cường độ của nguồn phóng xạ này là tương đối mạnh. Việc có ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe của những người ở xung quanh nguồn phóng xạ hay không còn phụ thuộc vào việc nguồn phóng xạ có được bảo vệ kín hay để hở. Nếu thỏi nguyên liệu rớt ra này được che trong các vật liệu bảo vệ như chì thì mức độ nguy hiểm không cao nhưng nếu “trần trụi” rớt ra thì hậu quả với sức khỏe của những người quanh đó bị nhiễm xạ là không thể lường trước được.

Người bị nhiễm xạ có thể có các triệu chứng như buồn nôn, mệt mỏi kèm theo ban đỏ, sốt kèm tiêu chảy, thương tổn da, tiếp theo là một thời kỳ ủ bệnh với thời gian khác nhau, đặc trưng bởi các triệu chứng viêm nhiễm, chảy máu, bệnh dạ dày và ruột, thiếu các tế bào máu...


Source: phapluat

-------------------------------------------------------------------------------------------------

No comments:

Post a Comment

Add to Technorati Favorites

From vituyen blog