Ngày 29/12, nhiều công nhân làm việc tại Công ty TNHH Alpha tiếp tục nhập viện trong tình trạng nhức đầu, khó thở. Bệnh viện Lê Lợi (Vũng Tàu) đã đưa một số sang khoa Đông y. Có hơn 300 công nhân đã được đưa đi xét nghiệm hồng cầu, bạch cầu tại bệnh viện và 145 người phải cấp cứu trong bệnh viện.
28 công nhân do ở gần, tiếp xúc với nguồn phóng xạ bị rơi được đưa đến Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt để xét nghiệm và phải sau 2 tuần mới có kết quả. Đa số các trường hợp nhập viện đều có triệu chứng đau đầu, tức ngực, khó thở, chóng mặt, mắt lờ đờ…"Trưa 28/12, khi ngủ dậy đi làm, bỗng nhiên tôi thấy người bị choáng, nhức đầu, chóng mặt, khi thở như bị một vật gì đó chắn ngang cổ họng", công nhân Bùi Khánh Tùng (31 tuổi), lắp ráp tổ 4, xưởng kết cấu thép cho biết.
Anh Lê Cao Triết, công nhân cắt thuộc tổ lắp số 4 của Công ty Dịch vụ Cơ khí Hàng hải, cho biết, khoảng hơn 14 giờ ngày 28/12, khi đang thi công giàn khoan dầu khí BOD thì có báo động di tản công nhân để tổ chức tìm kiếm nguồn phóng xạ bị thất lạc. Nguồn phóng xạ này vốn của máy chụp phóng xạ chuyên dùng để kiểm tra chất lượng của các mối hàn trên giàn khoan và do tổ kỹ thuật của Công ty Alpha đảm trách. “Ca làm việc có đến hơn 400 công nhân nên nghe phóng xạ thất lạc, anh em lo sợ lắm. Nguồn phóng xạ sau đó tìm được chỉ cách chỗ tôi chừng 2 m” - anh Triết kể. Khi được đưa vào kiểm tra sức khỏe, một số công nhân làm việc trong khoảng bán kính 3 m so với vị trí nguồn phóng xạ tìm thấy cho biết có cảm giác mệt, khó thở và buồn nôn. “Mấy người được chuyển lên Đà Lạt do ở gần nguồn phóng xạ, hơn nữa, không biết tình hình ra sao” - một công nhân lo lắng. Bác sĩ Trần Văn Bảy, Giám đốc Bệnh viện Lê Lợi, cho biết phải huy động gần 50 y, bác sĩ, nhân viên điều dưỡng để phục vụ khám sức khỏe cho số công nhân nói trên. Trước mắt, chỉ kiểm tra sức khỏe tổng quát, xét nghiệm các chỉ số về tế bào máu rồi mới xem xét có thực hiện các xét nghiệm chuyên môn sâu hay không.
Ông Phan Thanh Tùng - Giám đốc Công ty PTSC M&C cho biết, "Những trường hợp này, dù là công nhân mới hay có hợp đồng chính thức nếu bị nhiễm xạ thì sẽ được hưởng các chế độ, chính sách như nhau".
Ngay sau khi xảy ra sự cố phóng xạ bị rò rỉ, Sở khoa học Công nghệ, Phòng An ninh Kinh tế - Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tiến hành lập biên bản với đại diện của công ty Alpha. Theo đó, nguồn phóng xạ bị rơi là IR 192, cường độ phóng xạ 100,51 Ci. Đến ngày xảy ra sự cố, cường độ phóng xạ là 26,68 Ci. Kích thước của nguồn phóng xạ là 3mm, gắn trong thiết bị đo kiểm tra mối hàn.
Theo bản tường trình của ông Nguyễn Minh Thành, tổ trưởng kỹ thuật của Công ty Alpha, thời điểm phát hiện nguồn phóng xạ bị rơi ra ngoài là 13 giờ 55 phút ngày 28/12. Tuy nhiên, tiếp xúc với PV, nhiều công nhân nghi ngờ việc lạc mất nguồn phóng xạ có thể đã xảy ra từ tối hôm trước vì có tin cho rằng, một số phim chụp tối 27/12 chỉ toàn màu trắng và nhóm công nhân của Công ty TNHH Alpha cũng không xác định lạc ở đâu và đã đi tìm khắp nơi. Ngoài ra, ngày 28/12, các kỹ sư giám sát người nước ngoài cũng không có mặt tại công trường mà đi nước ngoài.
"Khi chụp nguồn phóng xạ, trên giàn khoan có một số công nhân đang nằm nghỉ trưa, trong khi theo nguyên tắc không được ai có mặt trên sàn. Tuy nhiên, theo tôi, Công ty không phải chụp nguồn phóng xạ mà thực ra là đang âm thầm đi tìm nguồn phóng xạ bị rơi", một công nhân tổ điện nói.
Ông Phan Thanh Tùng - Giám đốc Công ty PTSC M&C khẳng định, lúc 15h40 phút ngày 28/12 tìm được nguồn bị mất tại sàn 1 của giàn BOD (Bunga Orkid D). "Quy trình chụp phóng xạ của Alpha là không sai sót nhưng việc làm rơi nguồn phóng xạ thì cần phải xem lại. Việc kiểm tra các mối hàn của giàn BOD cũng như những công trình khác, PTSC M&C thuê Công ty TNHH Cảng dịch vụ dầu khí làm nhà thầu. Công ty này giao lại Công ty Alpha làm nhà thầu thứ 3", ông Tùng nói.
Chiều 28/12, hàng trăm công nhân của Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật cơ khí hàng hải đang chế tạo giàn khoan tại thành phố Vũng Tàu phải sơ tán vì nghi ngờ có rò rỉ phóng xạ.
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó giám đốc công ty cho biết lúc công nhân nghỉ trưa, công ty TNHH Alpha đã chụp phóng xạ để kiểm tra các mối hàn của giàn khoan.
Sau đó, khi công nhân vào làm việc, Công ty Alpha chuẩn bị chụp tiếp phóng xạ ở gần giàn khoan thì phát hiện nguồn phóng xạ đã biến mất. Đến khi được sơ tán, khoảng 400-500 công nhân tại giàn khoan đã bị ảnh hưởng của chất phóng xạ hơn một giờ.
Chiều tối 28/12, mới tìm thấy nguồn phóng xạ bị rơi. Hàng trăm công nhân đã đòi gặp Ban quản lý dự án giàn khoan yêu cầu giải thích rõ nguyên nhân và mức độ ảnh hưởng.
Source: vnmedia.vn
-------------------------------------------------------------------------------------------------
No comments:
Post a Comment