Tuesday, November 25, 2008

Từ cầu Cần Thơ đến Điện hạt nhân

24/10/2007
Cầu Cần Thơ thuộc loại công nghệ kinh điển, lại được nhà thầu đầy kinh nghiệm của một nước tiên tiến thi công, nên ít ai nghĩ đến chuyện sẩy ra sự cố. Ấy thế mà nó vẫn sập, không ở đoạn giữa sông mà là ở nhịp dẫn, lại không đợi đến nhiều thập kỷ sau (như cây cầu trên sông Mississippin ở Mỹ), mà sập ngay trong khi đang thi công.

Rồi đây, kết luận của Ủy ban Điều tra Nhà nước sẽ nêu ra hàng loạt chức sắc, nhà thầu, tổ chức thiết kế, thi công, nghiệm thu, kỹ thuật viên trong và ngoài nước vô tình hay cố ý tòng phạm vào thảm họa này. Nhưng cái mẫu số chung của hầu hết các lỗi lầm đó, không gì khác, chính là sự bất cẩn của con người coi thường luật lệ, làm vô hiệu hoá hệ thống thực thi luật và quản lý chất lượng trong hoạt động công nghiệp. Toàn bộ hệ thống đó là lại phải thông suốt từ trên xuống dưới, nên để sảy ra thảm hoạ ở một công trình thể kỷ như cầu Cần Thơ, trách nhiệm trước hết phải thuộc về người đứng đầu ngành GT-VT.

Thoát ra khỏi một nền sản xuất tiểu nông, lạc hậu, sự bất cẩn của con người là mối đe dọa lớn nhất trong quá trình công nghiệp hoá tăng tốc như hiện nay. Không thể để cho bất cứ định kiến nào (chẳng hạn tin vào nhà thầu đến từ một nước tiên tiến) làm mất cảnh giác, khi mà cuộc sống luôn bị chi phối bởi ngày càng quá nhiều yếu tố rủi ro trong cơ chế thị trường.

Bài học đắt giá nhất nói trên giờ đây sẽ là hành trang đưa chúng ta đến những công trình có quy mô và mức độ mất an toàn lớn hơn gấp bội trong những năm tới, như nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) sắp được xây dựng và đưa vào vận hành ồ ạt sau năm 2020, theo như kế hoạch Bộ Công Thương đang trình Chính phủ. Khác với kỹ thuật cầu đường, công nghệ ĐHN còn rất mới mẻ, chứa đựng nhiều yếu tố mất an toàn, gây nên bất an về tâm lý xã hội. Phải nói ngay rằng, với công nghệ ĐHN hiện tại sẽ rất khó xảy ra thảm hoạ như Chernobyl gieo rắc chất phóng xạ lên khắp Bắc bán cầu, nhưng không loại trừ những cấp độ mất an toàn khác, từ thấp đến cao, gây thiệt hại về người và của, có khi còn nghiệm trọng hơn những gì đã từng xảy ra vài năm trước đây ở Nhật Bản. Cho nên cần phải xây dựng một hệ thống luật hạt nhân và thực thi luật rất nghiêm ngặt và một đội ngũ có đủ tri thức và lương tâm, vừa biết làm chủ công nghệ, vừa biết đặt lợi ích quốc gia lên trên mọi toan tính cá nhân.

Luật phải nghiêm, bởi từ nhà máy ĐHN cho đến các hoạt động ứng dụng tia bức xạ trong kinh tế và đời sống đều gây tác hại đến con người, không đợi đến lúc xảy ra sự cố mà ngay trong điều kiện hoạt động bình thường. Giác quan của con người lại không nhận biết được những tia bức xạ đó, hoặc nguy cơ có thể đến với họ, chuyện này khác hẳn với trường hợp trụ số 14 cầu Cần Thơ bị nghiêng, báo trước cho mọi người thảm hoạ có thể xảy ra. Tác hại của tia bức xạ lại không có ngưỡng an toàn, liều bức xạ thấp bao nhiêu cũng đều có tác hại.

Bài toán an toàn hạt nhân là bài toán kinh tế, công nghệ ĐHN càng an toàn, giá thành càng cao. Khi xảy ra mâu thuẫn giữa tính an toàn và tính kinh tế phải đặt yêu cầu an toàn lên trên. Vì vậy Luật hạt nhân sẽ được Quốc hội thảo luận và thông qua, phải quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân, nhất là khi xảy ra mất an toàn.Trách nhiệm trước hết thuộc về những người ký các quyết định về đầu tư, tổ chức và nhân sự. Giải quyết xong những chuyện trên, chúng ta có thể yên tâm mà đồng thanh “GO NUCLEAR”.

GS. Phạm Duy Hiển

Theo Tạp chí Tia sáng

-------------------------------------------------------------------------------------------------

No comments:

Post a Comment

Add to Technorati Favorites

From vituyen blog