"Đây là luật chuẩn bị rất công phu với gần 100 điều, nội dung cụ thể, nhiều điều chỉnh với phạm vi rộng", ĐB Đinh Xuân Thảo (Kiên Giang) phát biểu tại phiên thảo luận sáng 13/5 về Dự án Luật Năng lượng nguyên tử.
Hầu hết ý kiến trên nghị trường đều thống nhất rằng tuy đây là một dự án luật rất khó, tính chuyên ngành cao nhưng cơ quan soạn thảo và đơn vị thẩm tra đều đã chuẩn bị kỹ lưỡng và công phu so với khá nhiều dự án luật khác.
Điện hạt nhân: một giải pháp kinh tế, an toàn
Các ĐB nhanh chóng thống nhất với hầu hết nội dung dự án luật và cho rằng đây sẽ là cơ sở pháp lý để ứng dụng năng lượng nguyên tử vào phát triển kinh tế xã hội. Trước mắt, điện hạt nhân sẽ là một giải pháp kinh tế, an toàn và là nguồn năng lượng sạch trong bối cảnh các nguồn năng lượng truyền thống đang cạn kiệt.
Bàn thảo nhiều nhất là cơ chế cho các địa phương sẽ xây nhà máy điện hạt nhân đầu tiên.
ĐB Võ Minh Thức (Phú Yên) trình bày, trước kia, Phú Yên cũng dự kiến tiếp sau Ninh Thuận, tỉnh này sẽ chọn một địa điểm xây nhà máy. Tuy đây mới chỉ là ý định nhưng địa phương đã "vấp" phải nhiều bức xúc của người dân.
Theo ông Thức, lo lắng trước tiên là về độ an toàn, sau đó là quyền lợi của nhân dân ở trong vùng xây nhà máy. "Đây là lợi ích thiết thực quốc gia nhưng khi thiệt hại xảy ra thì cục bộ địa phương bị ảnh hưởng trước", ông Thức nói.
Ông phân tích, tuy dự thảo Luật có nói đến việc sẽ quan tâm, chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, phát triển văn hóa, giáo dục cũng như một số vấn đề phúc lợi tại khu vực dự án, nhưng nếu nói vậy vẫn chưa cụ thể và chưa đủ sức thuyết phục người dân.
ĐB Bùi Thị Hòa (Đăk Nông) cũng chia sẻ thêm, với những địa bàn được chọn để xây nhà máy điện hạt nhân thì phải có những quy định rất rõ, cụ thể hơn để có chính sách đặc thù, chính sách ưu tiên.
Quan tâm nhất là vấn đề an toàn bức xạ
Đại diện cho Ninh Thuận, địa phương đầu tiên sẽ xây dựng nhà máy điện hạt nhân, ĐB Nguyễn Thị Mai giãi bày nỗi lo khác, "Cử tri lo lắng rằng khi địa phương có nhà máy điện hạt nhân, việc thu hút đầu tư và du lịch sẽ bị hạn chế, cũng như ảnh hưởng của phóng xạ đến môi trường sống. Đề nghị chính sách của Nhà nước đối với các địa phương có nhà máy điện hạt nhân cần quy định cụ thể hơn, địa phương phải được hưởng lợi từ chính sách đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông, văn hóa, khoa học và công nghệ phát triển".
Bà Mai cũng cũng yêu cầu Luật nên quy định phải có báo cáo thường xuyên việc kiểm tra sức khỏe cho cộng đồng dân cư sinh sống xung quanh và thường xuyên đánh giá tác động môi trường.
"Tham quan một số nhà máy điện hạt nhân ở Nhật, tôi quan tâm nhất là vấn đề an toàn bức xạ. Chúng tôi đã nhìn thấy một bức tranh tổng thể là nhà máy điện hạt nhân được xây dựng sát biển, cách nhà máy khoảng 500m là khu dân cư sống đông đúc với những công viên, cây xanh tươi tốt, có trung tâm sinh hoạt thể thao, văn hóa trên biển, gần đó có ngư dân đánh bắt cá. Họ cho biết, thường xuyên có chuyên gia đánh giá tác động môi trường như đo nhiệt độ nước, nồng độ muối, sự biến động của thủy, hải sản, đặc biệt là thường xuyên kiểm tra sức khỏe cho dân sống xung quanh", bà Mai kể lại.
ĐB Trịnh Thị Giới (Thanh Hóa) nói thêm: "Xây nhà máy điện hạt nhân là vấn đề nhạy cảm vì tâm lý của nhân dân và địa phương thường e ngại. Không phải chỗ nào cũng đặt được nhà máy điện hạt nhân và số lượng nhà máy cũng sẽ chưa nhiều vì vậy nên có chính sách đặc thù cho địa phương và người dân".
Dự kiến, Luật Năng lượng nguyên tử sẽ được thông qua vào ngày 3/6 tới.
-------------------------------------------------------------------------------------------------
No comments:
Post a Comment