Luật năng lượng nguyên tử (NLNT) đã được QH chính thức thông qua sáng nay (3/6) với 11 chương và 93 điều. Đây chính là bước quan trọng nhằm giải quyết về cơ bản tình trạng bất cập do thiếu các cơ chế, chính sách điều chỉnh phù hợp của Nhà nước.
Thực tế, nhiều quy định về NLNT xen kẽ trong một số văn bản nhưng cho đến nay, văn bản pháp luật duy nhất có tính chuyên ngành mới chỉ ở tầm pháp lệnh và chỉ có chức năng điều chỉnh một khía cạnh nhỏ trong lĩnh vực ứng dụng năng lượng nguyên tử. Đó là Pháp lệnh An toàn và Kiểm soát bức xạ năm 1996 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Trong báo cáo của UBTVQH sáng nay, các ý kiến giải trình hướng tới hơn 20 điểm trong Dự thảo luật. Tuy nhiên, một số vấn đề về phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử quốc gia, giải pháp nguồn nhân lực và địa điểm lưu khi, giữ chất phóng xạ là được quan tâm nhất. Trên cơ sở đó, báo cáo đã giải trình, tiếp thu và chỉnh lí một số điều khoản trong dự thảo luật này.
Hai hội đồng giám sát
Theo Luật NLNT, thực hiện việc nghiên cứu phát triển, ứng dụng và bảo đảm an toàn hạt nhân sẽ có 2 hội đồng đảm nhiệm việc tư vấn, hoạch định chiến lược và giám sát an toàn trong hoạt động NLNT.
Trong đó, Hội đồng Phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử quốc gia là hội đồng tư vấn của Thủ tướng Chính phủ trong việc hoạch định chiến lược, chính sách về phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử và trong việc quy hoạch, lập kế hoạch về nghiên cứu, phát triển và sử dụng năng lượng nguyên tử.
Còn Hội đồng An toàn hạt nhân quốc gia là hội đồng tư vấn của Thủ tướng Chính phủ về chính sách và biện pháp nhằm bảo đảm an toàn hạt nhân trong sử dụng năng lượng nguyên tử. Đặc biệt là việc bảo đảm an toàn trong quá trình hoạt động của nhà máy điện hạt nhân và các biện pháp xử lý khi có sự cố nghiêm trọng. Ngoài ra, Hội đồng này còn có chức năng xem xét, đánh giá báo cáo của nhà máy điện hạt nhân về tình trạng an toàn của nhà máy cũng như báo cáo thẩm định của cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân.
Trước việc nhiều ĐB đề nghị nên hợp nhất hai hội đồng này để phù hợp với xu hướng cải cách hành chính hiện nay, đồng thời bảo đảm tính thống nhất. Tuy nhiên, UBTVQH cho rằng nếu hợp nhất hai hội đồng này sẽ khó bảo đảm được tính khách quan khi vừa thực hiện tư vấn, hoạch định chiến lược, chính sách, vừa tư vấn về bảo đảm an toàn trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
Qua nghiên cứu kinh nghiệm ở phần lớn các quốc gia có nhà máy điện hạt nhân, hai cơ quan này nên là riêng biệt và hơn nữa điều này cũng phù hợp với khuyến cáo của Tổ chức Năng lượng nguyên tử quốc tế.
Địa điểm lưu giữ: Cần địa phương ủng hộ
Có nhiều ĐB góp ý về địa điểm kho lưu giữ chất thải phóng xạ, địa điểm chôn cất chất thải phóng xạ,... chỉ cần có sự phê duyệt của Bộ Xây dựng là chưa đủ। Các ĐB này đề nghị cần phải bổ sung quy định về sự tham gia quy hoạch của chính quyền địa phương thì việc sử dụng đất xây dựng kho lưu giữ và địa điểm chôn cất chất thải phóng xạ mới thuận lợi, khả thi.
Ủy ban thường vụ Quốc hội sau khi nghiên cứu, nhận thấy ý kiến đó là xác đáng, việc phê duyệt địa điểm kho lưu giữ chất thải phóng xạ, địa điểm chôn cất chất thải phóng xạ phải tuân theo quy định của Luật này và Luật Bảo vệ môi trường.
Theo đó, Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập quy hoạch tổng thể quốc gia về thu gom, xử lý, chôn lấp chất thải nguy hại và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí mặt bằng xây dựng khu chôn lấp chất thải nguy hại theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Cũng theo báo cáo giải trình, nguồn nhân lực để phát triển điện hạt nhân bao gồm nhân lực cho chương trình điện hạt nhân và nhân lực vận hành nhà máy điện hạt nhân, sự kiến sẽ được đưa vào vận hành trong năm 2020 cần được đầu tư mạnh. Nguồn nhân lực cần phải do Nhà nước chịu trách nhiệm đào tạo để đảm bảo về chất lượng cho đội ngũ nhân lực vận hành và phát triển nhà máy điện hạt nhân.
-------------------------------------------------------------------------------------------------
No comments:
Post a Comment