Phan Xuân Dũng
TSKH, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội
1 - Xu hướng phát triển năng lượng nguyên tử trên thế giới
Cơ cấu năng lượng đang sử dụng của loài người hiện nay chủ yếu nghiêng về nguồn nhiên liệu hóa thạch. Cụ thể, dầu chiếm 40%, than đá khoảng 26%, khí thiên nhiên: 24%(1). Nhưng với tốc độ tăng trưởng kinh tế hiện nay và sự gia tăng dân số thế giới (dự báo: đến năm 2025 là 8 tỉ người và năm 2050 là 9,8 tỉ người), nhân loại sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu về năng lượng, vì nguồn tài nguyên không tái tạo này đang ngày càng cạn kiệt, trong khi nguồn năng lượng mặt trời, năng lượng từ sức gió... cũng chỉ cung cấp được khoảng 10% tổng số năng lượng cần thiết, nếu không có bước nhảy vọt về công nghệ trong lĩnh vực này.
Trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, thực tế đã chứng minh việc nghiên cứu và sử dụng năng lượng này đã mang lại những lợi ích to lớn. Những năm gần đây, nhiều nước trên thế giới đã chú trọng đến phát triển điện hạt nhân (xem bảng 1). Xu thế xây dựng nhà máy điện hạt nhân đang gia tăng và tập trung ở châu Á. Chẳng hạn, ấn Độ đang xây dựng 7 lò phản ứng hạt nhân; Trung Quốc hiện đã có 11 lò và đang hoàn thiện 9 lò, có kế hoạch đến năm 2020 sẽ xây dựng thêm khoảng 30 lò phản ứng hạt nhân mới; Thái Lan đang chuẩn bị xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên để đưa vào vận hành năm 2020...
Nước | Số lò phản ứng | Công suất (Mwe) |
Hoa Kỳ | 104 | 100.322 |
Pháp | 59 | 63.260 |
Nhật Bản | 55 | 47.587 |
LB Nga | 31 | 21.743 |
Hàn Quốc | 20 | 17.454 |
Vương quốc Anh | 19 | 10.222 |
Ca-na-đa | 18 | 12.589 |
CHLB Đức | 17 | 20.339 |
ấn Độ | 17 | 3.779 |
U-crai-na | 15 | 13.107 |
Trung Quốc | 11 | 8.572 |
Thụy Điển | 10 | 9.034 |
Tây Ban Nha | 8 | 7.450 |
Vương Quốc Bỉ | 7 | 5.824 |
Cộng hòa Séc | 6 | 3.523 |
Slô-va-ki-a | 5 | 2.034 |
Thụy Sĩ | 5 | 3.200 |
Phần Lan | 4 | 2.696 |
Hung-ga-ry | 4 | 1.755 |
Pa-kit-xtan | 2 | 425 |
Ru-ma-ni | 2 | 1.310 |
Nam Phi | 2 | 1.800 |
Mê-hi-cô | 2 | 1.360 |
Ac-hen-ti-na | 2 | 935 |
Bra-xin | 2 | 1.795 |
Bun-ga-ri | 2 | 1.906 |
Lit-tua-ni-a | 1 | 1.185 |
Ac-mê-ni-a | 1 | 376 |
Slô-vê-ni-a | 1 | 666 |
Hà Lan | 1 | 482 |
Toàn thế giới | 439(*) | 371.671 |
(*) Kể cả 6 lò phản ứng của Đài Loan với tổng công suất 4.921 MWe.
Nguồn: Báo cáo của IAEA
2 - Tình hình ứng dụng năng lượng nguyên tử ở Việt Nam
Ở nước ta, năng lượng nguyên tử được sử dụng trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và y tế từ rất sớm và đem lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế - xã hội; nghiên cứu ứng dụng điện hạt nhân cũng bắt đầu được quan tâm. Theo số liệu của Bộ Khoa học và Công nghệ, tính đến hết năm 2006 cả nước có:
- 188 cơ sở bức xạ sử dụng 1.961 nguồn phóng xạ kín, trong đó, số nguồn được sử dụng trong y tế là 35%, công nghiệp là 30%, nghiên cứu đào tạo là 21% và các lĩnh vực khác là 14%.
- Trong lĩnh vực y tế, hơn 2.700 máy
X - quang chẩn đoán bệnh tại gần 1.900 cơ sở, 22 máy xạ trị Co-60, 10 máy gia tốc, 589 nguồn xạ trị áp sát; 22 cơ sở y học hạt nhân sử dụng dược chất phóng xạ để chẩn đoán và điều trị bệnh với các đồng vị I-131, I-125, P-32, Mo-99/Tc-99m, Sm-153, Tl-201, Ga-67 và In-111.
- Trong lĩnh vực công nghiệp, có khoảng 300 nguồn được dùng trong kiểm tra mẫu không phá hủy và thăm dò dầu khí, riêng trong chiếu xạ thực phẩm có khoảng 5 thiết bị đã hoàn thành việc lắp đặt và đi vào hoạt động.
Theo Bộ Công Thương, sơ bộ cân đối nhiên liệu cho sản xuất điện theo các phương án phụ tải ở các năm 2015, 2020 và 2030 cho thấy, với tổng nhu cầu điện dự báo theo Phương án cao và tổng sản lượng điện có thể cung cấp từ các nguồn than, khí đốt, thủy điện và năng lượng mới ở nước ta, thì còn thiếu tới 23,8 tỉ kWh vào năm 2015; 104,1 tỉ kWh vào năm 2020 và 375 tỉ kWh vào năm 2030 (xem: bảng 2). Do đó, việc phát triển điện hạt nhân là một giải pháp quan trọng cho sự thiếu hụt trên. Điện hạt nhân có nhiều ưu điểm so với nhà máy nhiệt điện và thủy điện, nhưng yêu cầu phải bảo đảm an toàn, an ninh cho nhà máy điện hạt nhân là rất cao.
Bảng 2: Cân đối sơ bộ về nhiên liệu cho sản xuất điện theo các phương án phụ tải ở
các năm 2015 - 2020 và 2030 (theo Báo cáo số 1572 ngày 12-4-2007 của Bộ Công nghiệp):
Năm | 2015 | 2020 | 2030 | |||
Khai thác | SL điện, tỉ kWh PA Thấp/cơ sở/cao | Khai thác | SL điện, tỉ kWh PA Thấp/cơ sở/cao | Khai thác | SL điện, tỉ kWh PA Thấp/cơ sở/cao | |
Sản lượng than | 55,8 | 64,3 | 78,4 | |||
Cho điện (Tr.tấn) | 23,1 | 55,2 | 33,1 | 82,2 | 47 | 120,5 |
Cho ngành khác (*) | 32,7 | 31,2 | 17,5 | |||
Sản lượng khí đốt | 15,1 | 18,3 | 22 | |||
Cho điện (tỉ m3) | 13,1 | 77,6 | 16 | 80 | 18 | 80 |
Cho ngành khác (m3) | 2,0 | 2,3 | 4 | |||
Thủy điện | 15.090 MW | 56 | 17.700 MW | 62,6 | 20.000 MW | 83 |
Năng lượng mới | 1270 MW | 3,4 | 17.700 MW | 5,1 | 3.300 MW | 9,5 |
Tổng sản xuất điện trong nước | 192,2 | 229,9 | 293 | |||
Tổng nhu cầu điện | 169/190/216 | 247/294/334 | 455/562/668 | |||
Thiếu (-) thừa (+) | +23,2/+2,2/-23,8 | -162/-269/-375 |
(*). Chỉ tính than cho nhu cầu trong nước, chưa kể xuất khẩu
Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, việc ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội được Đảng và Nhà nước ta sớm dành nhiều sự quan tâm, trong đó có vấn đề phát triển điện hạt nhân, thể hiện ở các chủ trương, chính sách lớn sau:
- Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII ngày
24-12-1996, phần định hướng chiến lược phát triển khoa học và công nghệ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã xác định "Chuẩn bị tiền đề khoa học cho việc sử dụng năng lượng nguyên tử sau năm 2000".
- Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng, phần Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2001 - 2010, đã định hướng nhiệm vụ "Nghiên cứu phương án sử dụng năng lượng nguyên tử".
Thực hiện chủ trương này, Chính phủ đã ban hành các văn bản để tổ chức triển khai thực hiện:
- Ngày 05-3-2002, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định thành lập Tổ công tác chỉ đạo nghiên cứu phát triển nhà máy điện hạt nhân ở nước ta.
- Ngày 05-10-2004, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành điện Việt Nam giai đoạn 2004 - 2010, định hướng đến 2020, giao nhiệm vụ "Đầu tư, nghiên cứu, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để có thể xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam".
- Ngày 03-01-2006, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020" và ngày 23-7-2007 phê duyệt kế hoạch tổng thể thực hiện chiến lược này.
Việc đẩy mạnh sử dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tới đặt ra nhu cầu sớm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này. Những quy định của Pháp lệnh An toàn và Kiểm soát bức xạ (Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 25-6-1996) đến nay đã bộc lộ nhiều điểm không còn phù hợp với thực tiễn. Vì vậy, việc ban hành một đạo luật có tính pháp lý cao hơn nhằm đáp ứng các yêu cầu bảo đảm an toàn, an ninh trong việc sử dụng năng lượng nguyên tử, đổi mới phương thức quản lý, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật cũng như tăng cường trách nhiệm để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng năng lượng nguyên tử... là rất cần thiết.
Từ đó cho thấy, việc Chính phủ đang tiến hành dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử là một bước quan trọng thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về sử dụng năng lượng nguyên tử và bảo đảm an toàn, an ninh trong sử dụng nguồn năng lượng này phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta, là phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, mở đường cho việc xây dựng những nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam.
3 - Một số điểm cần lưu ý trong soạn thảo dự án Luật Năng lượng nguyên tử
Thứ nhất: Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và tư tưởng chỉ đạo của Dự án Luật. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng ảnh hưởng đến toàn bộ nội dung của Luật. Lĩnh vực năng lượng nguyên tử rất rộng, có nhiều vấn đề cần quan tâm, vì thế, cần phải làm rõ phạm vi điều chỉnh của Luật. Hơn nữa, đây là vấn đề nhạy cảm không chỉ trong nước, mà còn đối với cả khu vực và trên thế giới, đặc biệt là về việc ứng dụng bức xạ hạt nhân và xây dựng nhà máy điện nguyên tử đầu tiên của nước ta. Quy định về các hoạt động phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử và bảo đảm an toàn, an ninh cho các hoạt động đó phải được nêu rõ trong Luật. Lĩnh vực năng lượng nguyên tử phải được hiểu là bao gồm cả hai lĩnh vực năng lượng hạt nhân và bức xạ ion hóa.
Khi xây dựng dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử, cần xây dựng các nội dung không chỉ phù hợp với Hiến pháp, thống nhất với hệ thống pháp luật nước ta và còn phải tuân thủ những nguyên tắc của pháp luật quốc tế, nhất là với những điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, như: Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) năm 1982; Hiệp định Thanh sát hạt nhân và Nghị định thư bổ sung (SA) ký năm 1989, phê chuẩn năm 1990; Hiệp ước Cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện (CTBT) ký năm 1996, phê chuẩn năm 2006; Hiệp ước về khu vực Đông - Nam á không vũ khí hạt nhân (1997); Công ước về thông báo nhanh trong trường hợp sự cố hạt nhân (1987); Công ước về trợ giúp trong trường hợp có tai nạn hạt nhân hay sự cố phóng xạ khẩn cấp (1987); Bộ Quy tắc ứng xử về an toàn và an ninh nguồn phóng xạ, và Hướng dẫn bổ sung về xuất nhập khẩu nguồn phóng xạ (gửi chấp nhận tới IAEA ngày 11-8-2006); Nghị định thư bổ sung (AP) ký ngày 10-8-2007; Công ước về Bảo vệ thực thể hạt nhân (đang nghiên cứu để tham gia).
Tóm lại, tư tưởng chỉ đạo trong Luật cần phải thể hiện được các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về ứng dụng và phát triển năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình; tạo môi trường pháp lý thuận lợi để đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và phát triển năng lượng nguyên tử phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân; coi phát triển điện hạt nhân là một giải pháp quan trọng nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phát triển bền vững và tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ và trình độ công nghiệp của đất nước; bảo đảm an toàn ở mức cao nhất cho con người, môi trường và an ninh xã hội trong ứng dụng và phát triển năng lượng nguyên tử; kế thừa các quy định hiện hành về năng lượng nguyên tử; tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm pháp luật của các nước để áp dụng sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn nước ta.
Thứ hai: Về nội dung quản lý nhà nước trong Luật. Phải tính đến đặc thù của lĩnh vực năng lượng nguyên tử để xác định rõ cơ quan chịu trách nhiệm chính, cơ quan phối hợp của các bộ, cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân các cấp trong quá trình tổ chức thực hiện ứng dụng và phát triển lĩnh vực này. Quản lý nhà nước về năng lượng nguyên tử đòi hỏi sự am hiểu sâu về chuyên môn, nghiệp vụ liên quan đến an toàn, an ninh và công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này. Nên có sự cân nhắc, tính toán kỹ để bảo đảm sự thống nhất của pháp luật, không nên có những quy định chồng chéo trong hệ thống pháp luật, sẽ gây khó khăn cho việc áp dụng Luật.
Do đặc thù của lĩnh vực năng lượng nguyên tử với tầm quan trọng và tính nhạy cảm của nó, yêu cầu bảo đảm an toàn, an ninh đối với các cơ sở bức xạ, cơ sở hạt nhân, trong đó có nhà máy điện hạt nhân, bảo đảm phát triển bền vững kinh tế - xã hội..., nên việc phân công, phân cấp rõ ràng trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực này là hết sức cần thiết.
Bên cạnh việc cân nhắc kỹ với các quy định cụ thể, phân công, phân cấp rõ ràng trách nhiệm cho các cơ quan quản lý nhà nước, nhằm bảo đảm sự thống nhất cao, tránh chồng chéo, thì vẫn phải bảo đảm tính linh hoạt, thích ứng với yêu cầu quản lý nhà nước của từng thời kỳ.
Về phân công trách nhiệm, cơ quan quản lý nhà nước chủ trì xây dựng quy hoạch sử dụng quặng phóng xạ, quy hoạch địa điểm chôn cất, xử lý, lưu giữ chất thải phóng xạ một cách an toàn; về xây dựng và quản lý nhà máy điện hạt nhân; phân công cơ quan có thẩm quyền cấp phép cho hoạt động của nhà máy điện hạt nhân; quy định trách nhiệm về bảo đảm an ninh, an toàn cho nhà máy điện hạt nhân,... cần có sự thống nhất phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng.
Thứ ba: Về tính chiến lược của dự án Luật. Trên thế giới, phần lớn các nước phát triển điện hạt nhân như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Nga... đều có cơ quan hội đồng năng lượng nguyên tử quốc gia làm chức năng tư vấn cho thủ tướng chính phủ về: Lập kế hoạch, thẩm định, quyết định chính sách cơ bản về năng lượng nguyên tử; chiến lược, kế hoạch phát triển ngành năng lượng nguyên tử, chương trình nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phát triển nguồn nhân lực về năng lượng nguyên tử; lập kế hoạch dài hạn về nghiên cứu phát triển và sử dụng năng lượng nguyên tử quốc gia. Thủ tướng chính phủ hoặc tổng thống các quốc gia được giao trách nhiệm là chủ tịch hội đồng. Thành viên hội đồng thường là các nhà hoạch định chính sách, các chính trị gia.
Ở các quốc gia khác nhau, việc hình thành cơ cấu và quy mô tổ chức của ủy ban này cũng cũng khác nhau, chẳng hạn:
Tại Pháp, Ủy ban Năng lượng nguyên tử quốc gia có tới 15.000 nhân viên và có ngân sách hoạt động trên 3 tỉ Ơ-rô/năm, bên cạnh phục vụ các nhiệm vụ cụ thể trong nước thì còn giúp thành lập các khuôn khổ pháp lý cần thiết và các chương trình đào tạo nhằm duy trì kế hoạch hạt nhân dân sự.
Tại Nhật Bản, Hội đồng Năng lượng nguyên tử quốc gia được thành lập từ ngày 1- 1-1956, có cơ cấu tổ chức rất gọn nhẹ, do thủ tướng đứng đầu cùng với 5 thành viên khác được Quốc hội phê chuẩn. Giúp việc cho Hội đồng gồm có 25 chuyên gia làm việc chuyên trách. Khi cần thiết Hội đồng này huy động các chuyên gia, các nhà chính khách... cùng tham gia. Nhiệm vụ chính của Hội đồng là lập kế hoạch, thẩm định, quyết định chính sách cơ bản về năng lượng nguyên tử; lập kế hoạch dài hạn về nghiên cứu phát triển và sử dụng năng lượng nguyên tử quốc gia.
Ở Việt Nam, theo chúng tôi rất cần có Hội đồng hoặc Ủy ban tương tự để lĩnh vực năng lượng nguyên tử phát triển một cách bền vững, có một chiến lược phát triển hợp lý, tránh tình trạng "giật gấu, vá vai", "thích gì làm nấy", "đến đâu, hay đó". Vì thế, trong Dự án Luật cần quy định phải có Hội đồng hoặc Ủy ban Năng lượng nguyên tử quốc gia. Các thành viên là Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Bộ Y tế...
Thứ tư: Về an toàn của lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Trong Luật cần có quy định về Hội đồng An toàn hạt nhân quốc gia, vì vấn đề an toàn của nhà máy điện hạt nhân và các cơ sở hạt nhân khác là rất hệ trọng. Sau khi nhà máy điện hạt nhân hoàn thành, hội đồng này có nhiệm vụ tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ trong việc ra các quyết định có liên quan đến chính sách và các biện pháp bảo đảm an toàn hạt nhân trong sử dụng năng lượng nguyên tử; đánh giá kết quả thẩm định về an toàn của nhà máy điện hạt nhân để tư vấn cho cơ quan có thẩm quyền cấp phép vận hành, yêu cầu tạm dừng hoặc chấm dứt hoạt động của nhà máy điện hạt nhân và các cơ sở hạt nhân khác. Hội đồng cần phải chịu trách nhiệm về ý kiến tư vấn của mình.
Hội đồng An toàn hạt nhân quốc gia là tổ chức tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ với đa số thành viên là các chuyên gia an toàn hạt nhân. Vì vậy, việc thành lập Hội đồng an toàn hạt nhân quốc gia; quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ chế làm việc của Hội đồng thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Chủ tịch Hội đồng nên cơ cấu một bộ trưởng chuyên ngành. Các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp đều làm như vậy. Ở Việt Nam, theo đặc thù tổ chức Chính phủ, thành viên hội đồng, nên có sự tham gia của lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng và đại diện của Bộ Y tế, ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà máy điện hạt nhân. Hội đồng này thuần túy là tổ chức tư vấn về an toàn hạt nhân, nên cần có 2/3 thành viên là các chuyên gia an toàn hạt nhân.
Về vấn đề quản lý an toàn hạt nhân trong nhà máy điện hạt nhân, theo chúng tôi, nên giao Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm quản lý; vì tổ hợp nhà máy điện hạt nhân có nhiều kết cấu liên quan chặt chẽ với nhau, nếu xảy ra sự cố ở bất kỳ bộ phận nào của tổ hợp đó cũng đều dẫn đến khả năng gây mất an toàn cho lò phản ứng hạt nhân của nhà máy điện hạt nhân. Tuy nhiên, cần rà soát, xem xét lại một số quy định nhằm bảo đảm cho Bộ Khoa học và Công nghệ có thể thực hiện đầy đủ chức năng quản lý nhà nước về an toàn nhà máy điện hạt nhân.
Thứ năm: Về thời hiệu khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại bức xạ và hạt nhân. Quy định quốc tế về thời hiệu khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại hạt nhân là 10 năm đối với thiệt hại về tài sản và môi trường, 30 năm đối với thiệt hại về tính mạng, sức khỏe con người. Quy định như vậy bảo đảm được quyền lợi của người bị thiệt hại, vì khi xảy ra sự cố hạt nhân thì mức độ thiệt hại không thể xác định được ngay, tác hại đối với môi trường và sức khỏe con người có thể rất lớn và lâu dài. Thiệt hại hạt nhân có tính đặc thù, có thể không có di chứng ngay lập tức mà nhiều năm sau mới phát hiện ra, thậm chí thiệt hại về sức khỏe mang tính di truyền, ảnh hưởng ở các thế hệ thứ 2, thứ 3... Đối với Việt Nam, việc đưa ra những quy định như vậy cũng là một điều hợp lý.
Thứ sáu: Về hoạt động thanh sát hạt nhân. Hoạt động thanh sát hạt nhân nên hiểu là hoạt động kiểm soát việc sử dụng vật liệu hạt nhân, vật liệu, thiết bị sử dụng trong chu trình nhiên liệu hạt nhân và các hoạt động có liên quan nhằm ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân, vận chuyển và sử dụng bất hợp pháp vật liệu hạt nhân.
Hoạt động thanh sát là hoạt động đặc thù, không hoàn toàn đồng nhất với hoạt động kiểm tra, kiểm soát, mà còn bao gồm cả việc kiểm toán, thống kê, xây dựng và quản lý hệ thống dữ liệu về vật liệu hạt nhân. Như vậy, cần làm rõ "thanh sát hạt nhân quốc tế" với các công tác kiểm tra, kiểm soát hạt nhân trong nước.
Hoạt động "thanh sát hạt nhân quốc tế" là hoạt động do thanh sát viên quốc tế thực hiện theo Hiệp định thanh sát hạt nhân quốc tế, do vậy phải soạn thảo các nội dung phù hợp với thông lệ quốc tế và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Còn đối với việc thanh sát hạt nhân trong nước, nên quy định là hoạt động kiểm tra, kiểm soát của cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về phát triển, sử dụng năng lượng nguyên tử và của cơ quan quản lý về an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân.
Thứ bảy: Về lập, phê duyệt quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử. Nhưng việc lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử là vấn đề phức tạp liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương và các đối tượng khác nhau. Do đó, để bảo đảm tính khả thi, Luật cần quy định rõ việc phân công, phân cấp trách nhiệm một cách rõ ràng, cụ thể. Ví dụ, đối với trách nhiệm lập quy hoạch: a) Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì lập quy hoạch tổng thể phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử; b) Bộ Công thương chủ trì lập quy hoạch phát triển điện hạt nhân; quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng phóng xạ; c) Bộ Xây dựng chủ trì lập quy hoạch tổng thể quốc gia về thu gom, xử lý, chôn cất chất thải phóng xạ; d) bộ, cơ quan ngang bộ tổ chức lập quy hoạch phát triển, ứng dụng bức xạ khác cho lĩnh vực quản lý theo chức năng, nhiệm vụ của mình.
Tương tự như vậy, đối với việc quy trách nhiệm thẩm định quy hoạch cũng cần có sự phân công, phân cấp một cách rõ ràng và khoa học.
Thứ tám: Về phát triển nguồn nhân lực và đầu tư phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử. Trong Luật nên có quy định biện pháp tăng cường tiềm lực con người, chính sách đào tạo nguồn nhân lực và chuyên gia có trình độ cao; trách nhiệm của các trường đại học, viện nghiên cứu trong công tác đào tạo nguồn nhân lực. Những giải pháp về nhân lực là rất cần thiết, cần được xây dựng thành những đề án riêng để giải quyết từng vấn đề cụ thể; Luật chỉ quy định những nội dung có tính nguyên tắc, còn các biện pháp cụ thể sẽ do Chính phủ quy định cho phù hợp với yêu cầu của từng thời kỳ.
Cần cân nhắc về việc khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư cho phát triển điện hạt nhân theo chương trình dài hạn. Việc đầu tư phát triển điện hạt nhân đòi hỏi đầu tư nguồn vốn lớn và tiến hành trong thời gian dài, nên việc huy động các nguồn lực của xã hội cho lĩnh vực này là cần thiết.
Thứ chín: Về quản lý, xử lý chất thải phóng xạ, nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng. Quy định về quản lý và thanh lý nguồn phóng xạ qua sử dụng được quy định trong Luật có thể là: Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia phân loại, xử lý chất thải phóng xạ, xử lý nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng; Bộ Xây dựng ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với kho lưu giữ chất thải phóng xạ quốc gia và địa điểm chôn cất chất thải phóng xạ; phê duyệt địa điểm kho lưu giữ chất thải phóng xạ quốc gia, địa điểm chôn cất chất thải phóng xạ; hướng dẫn việc báo cáo tình trạng chôn cất và lập bản đồ địa điểm chôn cất chất thải phóng xạ.
Đối với các hành vi bị nghiêm cấm, cần làm rõ quy định nghiêm cấm nhập khẩu chất thải có chứa chất phóng xạ; các hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép chất phóng xạ và chất thải phóng xạ, vật liệu phóng xạ và hạt nhân bằng đường bưu điện và các phương tiện vận chuyển khác mà không được thiết kế hoặc có thiết bị bảo đảm an toàn.
Thứ mười: Về yêu cầu đối với nhà máy điện hạt nhân. Quy định việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân phải theo quy hoạch phát triển điện hạt nhân do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc lựa chọn địa điểm, thiết kế, xây dựng, vận hành và bảo đảm an toàn lò phản ứng hạt nhân của nhà máy điện hạt nhân phải tuân thủ các quy định của Luật này và các quy định tương ứng của các luật khác có liên quan.
Khi trình Quốc hội xem xét quyết định chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân thì phải dự kiến địa điểm xây dựng nhà máy và lựa chọn công nghệ; các quy chuẩn kỹ thuật áp dụng cho thiết kế, thi công và xây dựng.
Việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân có tầm quan trọng đặc biệt. Theo kinh nghiệm của các nước đã phát triển điện hạt nhân, việc lấy ý kiến của nhân dân là cần thiết và thông qua Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là phù hợp với điều kiện ở nước ta, nhất là các ý kiến thể hiện nguyện vọng của nhân dân về các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh, kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật phát triển văn hóa, giáo dục, phúc lợi xã hội nhằm bảo đảm hài hòa các lợi ích.
Cần làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan ở cấp trung ương, cũng như chính quyền địa phương cấp tỉnh khi có sự cố xảy ra với các quy định và giải pháp khẩn cấp cụ thể.
Trong khi có sự cố xảy ra, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an là lực lượng nòng cốt trong việc ứng phó. Khi cần thiết, với những sự cố nghiêm trọng, nên có sự huy động nhân lực, phương tiện và phối hợp quốc tế. Bộ, ngành nào chịu trách nhiệm chính trong trường hợp như vậy cũng nên quy định trong dự thảo Luật.
Về mức sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân cần phân loại theo chuẩn mực quốc tế. Về vấn đề này, theo Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế, có 2 cách phân loại mức sự cố hạt nhân để phục vụ cho 2 mục đích sử dụng khác nhau, cụ thể như sau: Phân loại 7 mức sự cố để phục vụ cho việc thông báo nhanh với báo chí và dân chúng (INES)(2), Phân loại 5 mức sự cố để lập kế hoạch và áp dụng các biện pháp ứng phó(3).
Về chính sách đối với địa phương được chọn xây dựng nhà máy điện hạt nhân, cần đề nghị bổ sung một điều hoặc khoản quy định về chính sách đối với địa phương nơi đặt nhà máy điện hạt nhân.
*
* *
-------------------------------------------------------------------------------------------------
No comments:
Post a Comment