Monday, December 1, 2008

Điện hạt nhân trong tầm ngắm chiến lược

09/05/2008
Khoảng mười năm nữa, nhu cầu sử dụng điện Việt Nam sẽ tăng gấp đôi. Cuộc khủng hoảng cung cầu điện năng sẽ gay gắt gấp bội hiện nay. Trong tình thế đó, điện hạt nhân đang nằm trong tầm ngắm của các nhà chiến lược năng lượng…

Gay gắt cung cầu
Bước vào mùa hè 2008 này, cả nước ta đang chịu cảnh cắt điện theo lịch. Điều này chứng tỏ sự bắt đầu chu kỳ căng thẳng hàng năm giữa cung và cầu điện năng.

Lý do cũng dễ hiểu. Muốn bảo đảm sự cung cấp điện năng “thoải mái” cho người tiêu dùng, nhà cung cấp không chỉ cấp đủ mà phải có lượng điện dự trữ đề phòng những bất trắc, như hỏng hóc máy móc, thiếu nước cho nhà máy thủy điện, thiếu khí đốt hay than cho nhà máy nhiệt điện v.v…. Chẳng hạn, trong năm nay, theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Hữu Hào, nhu cầu công suất điện là 12.000 - 13.000 megawatt (MW), trong khi khả năng cung cấp của tất cả các loại nhà máy điện hiện có chỉ khoảng 12.000 MW. Không có lượng điện dự trữ, nên ở những giờ cao điểm cả nước có thể thiếu đến khoảng 1.000MW. Do vậy, sự căng thẳng điện năng đang xảy ra là điều không tránh khỏi.

Trong một tương lai gần, 10 - 20 năm nữa, sự cân bằng cung cầu càng gay gắt gấp nhiều lần, nếu cấu trúc điện năng nước ta không thay đổi căn bản.

Ở các nước công nghiệp phát triển, thông thường nếu GDP tăng tỷ lệ 1% thì điện năng tăng tương ứng 1,5%, còn những nước như Việt Nam ta, điện năng tăng gấp đôi so với GDP. Bức tranh cung cầu về điện cho những năm 2015 và 2020 được minh họa trên đồ thị kèm theo. Màu vàng mô tả khả năng đáp ứng bằng mọi nguồn điện năng hiện có trong nước. Màu xanh mô tả nhu cầu điện năng, theo hai giả thiết khác nhau: sử dụng điện ở mức cao nhất; gọi là kịch bản cao (HS) hay thấp nhất; gọi là kịch bản thấp (LS).
Bức tranh cung cầu điện năng nước ta năm 2015 và 2020
(Chú thích: Con số trên trục bên trái chỉ lượng điện tổng cộng/ năm,
tính bằng đơn vị TWh; 1TWh = 1012 Wh =1Tỉ KWh)

Theo bức tranh trên, đến năm 2015, mức chênh lệch giữa cung và cầu điện năng sẽ là 46,3 TWh (kịch bản thấp) và 102,4 TWh (kịch bản cao). Còn đến năm 2020, mức chênh lệch giữa cung và cầu điện năng sẽ cao hơn nhiều: 159,8 TWh (kịch bản thấp) và 270,8 TWh (kịch bản cao). Như vậy, cùng với sự tăng trưởng GDP, khoảng cách giữa cung và cầu điện năng càng lớn, càng gay gắt, nếu không có một sự thay đổi căn bản cấu trúc các thành phần điện năng, hay nói cách khác chưa có một nguồn điện năng nào có thể đóng vai trò cứu cánh.

“Cứu cánh” chưa tồn tại

Thử đặt mọi nguồn điện năng đang tiềm tàng lên bàn phân tích.

Trước hết là thủy điện. Thủy điện đã và đang được khai thác triệt để. Nhưng nguồn tài nguyên “trắng’ và sạch đó không phải là vô tận.

Sau nhà máy thủy điện Sơn La đang xây dựng, những nhà máy công suất lớn, cỡ 1.000 MW (megawatt), thậm chí 600 MW cũng không còn nữa. Từ nay, chỉ còn có thể xây dựng các nhà máy thủy điện nhỏ với công suất khoảng 350 MW trở lại. Và tổng điện năng của các thủy điện nhỏ đó, dù có khai thác hết, đến năm 2020 cũng chỉ đạt khoảng 4.500 - 5.000 MW, tương đương một điện lượng xấp xỉ 40 - 45 TWh/năm. Con số này quả là còn xa với nhu cầu đối với kịch bản cao (khoảng 270 TWh) trong năm 2020. Điều này có nghĩa là thuỷ điện chưa phải là nguồn điện cứu cánh cho đất nước trong tương lai gần, một hai thập kỷ tới.

Nhiệt điện than và dầu khí? Đây là dạng năng lượng chủ chốt đang được tập trung khai thác. Nhưng nguồn dự trữ khí ngoài biển rất hạn chế. Dầu cũng không phải quá dồi dào, nếu không nói là sẽ cạn kiệt trong vài chục năm nữa. Mặt khác, càng ngày dầu mỏ càng trở nên nguyên liệu quý hiếm cho nhiều ngành công nghiệp, nên việc đốt dầu thành điện là sự lãng phí đáng tiếc. Vì lẽ đó, trong lĩnh vực nhiệt điên, chủ yếu phải dựa vào điện than.

Nhưng điện than chứa đựng những trở ngại rất lớn. Trước hết, với khả năng khai thác nội địa rất hạn chế hiện nay, nước ta phải nhập một lượng than “kinh khủng”, khoảng vài ba chục triệu tấn than đá mỗi năm. Điều này, trước hết, sẽ gây ra tình trạng ô nhiễm lớn cho một loạt bến cảng bốc dở than, hay ô nhiễm môi trường nhiều vùng biển rộng lớn của nước ta. Chỉ riêng việc này đã làm mất tính hấp dẫn của loại hình nhiệt điện than. Nhưng điều quan ngại lớn hơn của nhiệt điện than chính là khí phát thải, là hiệu ứng nhà kính, là sự biến đổi khí hậu toàn cầu hiện đang đe dọa cuộc sống và sự phát triển mọi quốc gia trên trái đất.

Liệu có dám chấp nhận mọi trả giá, phát triển ồ ạt nguồn nhiệt điện để biến nó trở thành “con át chủ bài” ngành điện trong những năm 2010-2020 và nhiều năm sau đó, bất chấp những thoả thuận quốc tế ở Kyoto trước đây và Bali mới đây?

Các nguồn năng lượng mới? Năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh học quả là những nguồn năng lượng sạch, cần thiết và đang được đầu tư nghiên cứu phát triển ở nhiều nước công nghiệp phát triển. Đó có thể là nguồn điện thực sự cứu cánh của nhân loại trong một tương lai xa, giữa và cuối thế kỷ 21.

Tuy nhiên, hiện nay và trong tương lai gần, xét về phương diện công nghệ cũng như kinh tế (giá thành) các nguồn điện năng này đang còn nhiều hạn chế. Theo tính toán, khả năng đóng góp tất cả các nguồn điện năng này trong năm 2020, ở nước ta, cũng chỉ khoảng 2800 MW, tương đương công suất của hai lò phản ứng hạt nhân năng lượng. Con số đó dù đáng khích lệ, nhưng vẫn nhỏ bé so với nhu cầu điện năng quốc gia.

Vậy giải pháp nhập khẩu năng lượng? Đây là một giải pháp hiện thực, đang được khai thác và sẽ đẩy mạnh hơn trong tương lai. Chúng ta đang nói đến nhập khẩu điện từ các nước láng giềng như Lào, Trung Quốc, Campuchia và nhập khẩu than, chẳng hạn từ Úc. Theo dự tính, đến năm 2015, để bảo đảm cân đối năng lượng, nước ta có thể nhập khoảng 13 TWh điện và khoảng 35 triệu tấn than (theo kịch bản cao).

Đến năm 2020, nếu không có giải pháp mới nào khác, năng lượng nhập khẩu dự tính phải lớn hơn, chiếm khoảng 38-53% tổng năng lượng cần thiết. Ở đây, lại nảy sinh vấn đề nghiêm trọng khác - an ninh năng lượng quốc gia. Một chiến lược năng lượng quá phụ thuộc nước ngoài hẳn là phiêu lưu và chỉ có thể chấp nhận trong những trường hợp bất khả kháng. Dù rằng nhập khẩu năng lượng ở một mức độ nhất định, có tính toán là một trong những giải pháp giải pháp cần thiết, không thể bỏ qua.

Cuối cùng là giải pháp tiết kiệm năng lượng. Đây là giải pháp chung của mọi quốc gia. Đối với các nước đang phát triển, như Việt Nam, càng có ‎ nghĩa đặc biệt. Tuy vậy, chính sách tiết kiệm năng lượng cũng chỉ góp phần giảm bớt chứ không thể giải quyết căn bản tình trạng mất cân bằng gay gắt cung cầu điện năng.

Nhìn chung, các giải pháp điện năng đưa ra trên đây đều cần được quan tâm xem xét, đều có vai trò nhất định trong mạng lưới điện quốc gia. Nhưng, quả thật, chưa có giải pháp nào trong đó có thể xem là cứu cánh cho ngành năng lượng Việt Nam, giúp chúng ta thoát khỏi cuộc khủng hoảng cung cầu, ít nhất, trong một vài thập kỷ tới. Do đó, việc tiếp cận nguồn năng lượng mới khác, như điện hạt nhân, là điều tất yếu.

Điện hạt nhân mang tầm chiến lược

Điện hạt nhân, trong nhiều năm nay, được các nhà chiến lược và công nghệ năng lượng nước ta quan tâm, bởi sự hội tụ những ưu điểm nội tại về mặt công nghệ và kinh tế, mặt khác thích ứng với chiều hướng hồi sinh của điện hạt nhân trên thế giới trong những năm gần đây.

Dù vẫn còn những lo lắng và e ngại về tính an toàn lò phản ứng hạt nhân và việc chôn cất chất phóng xạ, nhưng 20 năm qua kể từ sự cố Chernobyl, sự vận hành an toàn của hàng trăm lò phản ứng rải rác trên thế giới và sự xuất hiện nhiều biện pháp công nghệ an toàn khác nhau đã đem lại niềm tin mới cho dân chúng đối với công nghệ điện hạt nhân.

Đặc biệt, trong xu thế của thế giới đối phó hiểm họa biển đổi khí hậu toàn cầu hiện nay, điện hạt nhân quả là sự lựa chọn thích hợp, góp phần tích cực thay thế các nhà máy nhiệt điện sử dụng nhiên liệu hoá thạch, nhằm giảm hạn chế phát thải khí ô nhiễm môi trường gây hiệu ứng nhà kính. Các yếu tố quan trọng khác đối với những nước đang phát triển như nước ta là điều kiện khá thuận lợi trong việc nhập công nghệ nhà máy điện hạt nhân từ các nước tiên tiến và sự bảo đảm chắc chắn nguồn nhiên liệu uranium nội địa và ngoại nhập trong bối cảnh quốc tế hiện nay.

Tất cả những yếu tố trên cùng với công suất lớn của các lò phản ứng hạt nhân năng lượng trên thị trường thế giới đã mở ra khả năng đáp ứng phần đáng kể nhu cầu điện năng cho đất nước trong tương lai sắp tới, từ năm 2020 đến giữa thế kỷ 21. Vì lẽ đó, phát triển điện hạt nhân đã trở thành nhiệm vụ mang tầm chiến lược của quốc gia hiện nay.

Thực tế trong nhiều năm qua, đặc biệt trong vài năm gần đây, Nhà nước đã có những động thái chuẩn bị cần thiết và nay đang đưa ra những quyết sách mạnh mẽ. Chẳng hạn, vào giai đoạn 1991-1995, trong Chương trình Nhà nước về Khoa học Công nghệ mang mã số KC-09, điện hạt nhân đã được chính thức bắt đầu nghiên cứu, khảo sát qua đề tài “Nghiên cứu khả năng đưa điện nguyên tử vào Việt Nam”. Sau nhiều năm chuẩn bị, vừa qua, năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định ban hành “Chiến lược ứng dụng NLNT vì mục đích hoà bình đến năm 2020” và “Kế hoạch tổng thể” thực hiện bản Chiến lược nói trên.

Việc đầu tư nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam đã được nêu rõ trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006-2015 có xét đến năm 2025’. Chính phủ đang chỉ đạo EVN lập dự án đầu tư xây dựng 2 nhà máy điện nguyên tử với công suất tổng cọng 4.000MW. Về thời hạn, dự kiến đến năm 2020 tổ máy điện hạt nhân đầu tiên sẽ đưa vào hoạt động, và đến năm 2025, mạng lưới điện quốc gia sẽ được bổ sung 11.000MW công suất điện hạt nhân (bằng 5,5 lần công suất của nhà máy thủy điện Hòa Bình hiện nay), tăng tỷ trọng điện hạt nhân, trong toàn bộ hệ thống điện quốc gia, lên đến con số 20-30%.

Về phương diện pháp l‎ý, một Dự án Luật Năng lượng Nguyên tử đã được xây dựng bởi một ban soạn thảo với sự tham gia của các chuyên gia luật pháp và khoa học công nghệ hạt nhân. Dự án này đã đệ trình xin ý kiến Quốc Hội khoá XII xem xét trong kỳ họp thứ 2, sau đó tổ chức để các đại biểu cử tri ở một số địa phương tham gia bổ sung. Chúng ta đang chờ đợi, ngay trong tháng 5.2008 này, tại kỳ họp thứ 3, Quốc Hội sẽ biểu quyết thông qua. Đây là bước đi rất quan trọng mở hành lang pháp lý chính thức phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam.

Chỉ còn 12 năm, kể từ nay đến lúc nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam được ấn định phải đưa vào vận hành chính thức. Hàng loạt công việc phải giải quyết trong khoảng thời gian đó.
12 năm không phải là dài. Hy vọng đúng mốc thời gian đó, năm 2020, Việt Nam sẽ không lỡ hẹn và sẽ chính thức đi vào lịch sử như là một trong những quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á có điện hạt nhân.
Source: VNN

-------------------------------------------------------------------------------------------------

No comments:

Post a Comment

Add to Technorati Favorites

From vituyen blog