Nhân dịp Việt Nam tổ chức Triển lãm điện hạt nhân với chủ đề: Hướng tới nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam, chúng tôi xin đăng tải ý kiến của Tiến sỹ Trần Văn Bình, nhà khoa học Việt Nam tại Đức, về vấn đề điện hạt nhân để độc giả cùng tham khảo.
Kể từ ngày thành lập cách đây hơn 30 năm, tổ chức Greenpeace luôn luôn đấu tranh, phản đối các hoạt động, chính sách của những khuynh hướng chính trị nào có ý đồ sử dụng nhiên liệu hạt nhân, cực lực phản đối việc xây dựng mới các nhà máy điện hạt nhân; họ là những người dân bình thường của nhiều hội đoàn đến từ nhiều quốc gia, ngoài lòng yêu chuộng hòa bình, căm thù chiến tranh, còn lòng yêu thiên nhiên, trân trọng môi trường sống của con người mà họ cảm thấy phải có trách nhiệm với đất đai, với sông nước, thiên nhiên môi trường mà họ đang sống.
Như học giả Saint-Exupe´ry đã viết: “Chúng ta không thừa hưởng đất đai của tổ tiên, mà chúng ta chỉ mượn tạm của con cháu! ” Có lẽ nhân đây cũng nên lướt nhìn lại hai tai nạn của hai nhà máy điện hạt nhân của thế kỷ qua, mà cho đến nay khi nghe đến tên, thì mức độ kinh hoàng, sự sợ hãi của con người có lẽ chỉ thua hai từ Hiroshima và Nagasaki.
Biến cố Chernobyl: Vào một ngày cuối tháng tư năm 1986, lò số 4 của nhà máy điện hạt nhân Chernobyl có công suất 6.000 Megawatt, nằm gần thành phố Pripyat, thuộc Ukraina nước CHLB Xô viết trước đây, bị một tai nạn khủng khiếp. Tai nạn được xếp ở cấp 7, cấp thang cao nhất được qui định (theo INES-International Nuclear Event Scale), tạo sức nổ hơi rất mạnh, làm nóc nhà bay và bị cháy lớn, sinh phát tán phóng xạ ra ngoài. Nguyên nhân chính gây ra tai nạn này là do quan niệm kỹ thuật, thiết kế thiếu bảo đảm và lỗi của công nhân vận hành. Sau đó khoảng gần 5.000 tấn cát, đất sét, chì. .. được đổ xuống để làm giảm chất phóng xạ (công việc này có tác dụng như tạo ra bộ phận lọc).
Tiếp theo sau đó người ta dùng thép và bê- tông để che lắp nhà máy. Kinh phí ban đầu cho việc cứu chữa này đã lên quá 550 triệu USD. Nhưng công trình này tiếp tục bị rạn nứt. Hàng trăm, hàng ngàn tấn máy móc, thiết bị, dụng cụ, nhiên liệu phóng xạ, có lẽ sẽ được chôn vùi mãi mãi ở nơi đây. Lúc đầu, vì sợ dân chúng hoang mang, thế giới và nước ngoài trách móc nên những con số chính xác thiệt hại về con người không được công bố.
Nhưng cho đến nay đã có hơn vài ngàn trẻ em bị mổ tuyến giáp trạng, người mắc bệnh bạch huyết, ung thư và dị tật bẩm sinh; hậu quả tàn khốc của biến cố, tai nạn nhà máy điện hạt nhân vẫn âm thầm tiếp diễn. Một tài liệu được công bố gần đây của tổ chức Greenpeace đã cho biết: Chỉ riêng với con số khoảng 600.000 người lính được lệnh đến Chernobyl để quét dọn, làm sạch chất phóng xạ, rất nhiều người đã bị chết, con số chính xác là bao nhiêu vẫn không được công bố rõ ràng.
Biến cố Harrisburg: Tháng 3-1979 một sự cố lớn đã xảy ra ở lò Three Mile Island cách không xa thành phố Harrisburg lắm, vì thế mà biến cố mang cái tên này. Tim lò nhà máy điện hạt nhân này (với công suất 900 Megawatt) bị thiệt hại, nhiệt độ tăng vọt lên làm phát tán phóng xạ. Nguyên nhân chính của tai nạn này là do lỗi ở công nhân vận hành, không thực hiện đúng các qui cách hướng dẫn, nôm na là do sự bất cẩn của con người!
Một biên khảo mới nhất của Viện Môi trường ở thành phố Munich, CHLB Đức đã công bố: Khu vực chung quanh các nhà máy điện hạt nhân thuộc tiểu bang Bayern còn đang hoạt động, người ta đã phát hiện và thống kê số trẻ em mắc bệnh ung thư nhiều hơn so với số trẻ em cư ngụ ở vùng khác, nơi mà không có nhà máy điện hạt nhân.
Kết quả khảo cứu này cho thấy số trẻ em sinh ra và lớn lên ở khu vực chung quanh 3 nhà máy điện hạt nhân Grundremmingen, Isar và Grafenheinfeld (3 trong số mười chín 19 nhà máy điện hạt nhân tại Đức còn được phép hoạt động cho đến hết năm 2020) bị mắc bệnh ung thư 30%, nhiều hơn so với con số bình thường. Cơ quan Liên bang Bảo vệ Phòng chống nhiễm Phóng xạ của CHLB Đức đã có nhận định: Nguyên nhân gây các bệnh ung thư là do các trẻ em này bị nhiễm phóng xạ từ lúc sinh ra, đã sống và lớn lên ở gần các nhà máy điện hạt nhân.
Thời gian gần đây, được biết lời tuyên bố của người lãnh đạo Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam: Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của nước ta, nếu không có gì trở ngại, sẽ vận hành vào năm 2017 – 2018 (thay vì dự định vào năm 2020). Nhà máy sẽ có 2 hoặc 3 lò với công suất của mỗi lò là 600 Megawatt. Chỉ nhìn về khía cạnh kinh tế mà thôi, thì so với kinh phí đầu tư cho một nhà máy thủy điện như Sơn La (với công suất 2.400 Megawatt, khoảng 2,5 tỉ USD, gần như tương đương với giá thành của một nhà máy điện hạt nhân) thì đã thấy giá thành của một KWh của nhà máy điện hạt nhân này là không kinh tế rồi! !! Ấy là chưa nói đến yếu tố tác hại đối với môi trường sinh sống con người, lời giải cho bài toán xử lý chất thải và nếu có biến cố, tai nạn xảy ra, thì hậu quả không thề lường hết được! !
Source: daidoanket
-------------------------------------------------------------------------------------------------
No comments:
Post a Comment