Tiến sĩ Nguyễn Quang Hưng, Liên đoàn trưởng Liên đoàn Địa chất Xạ hiếm đã khẳng định điều này và cho biết : vùng mỏ urani trong cát kết ở khu vực miền Trung khả năng có trữ lượng lớn, điều này có ý nghĩa rất quan trọng cho việc phát triển nhà máy điện hạt nhân.
Thực hiện Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong thời gian qua Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thành Đề án thăm dò quặng urani cho nhà máy điện hạt nhân.
Cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam Trần Xuân Hường cho biết: Việt Nam có tiềm năng trung bình trên thế giới về quặng urani, có đủ khả năng đáp ứng cho phát triển điện hạt nhân của đất nước.
Kết quả điều tra của ngành địa chất thời gian qua cho thấy quặng urani ở nước ta tồn tại trong nhiều cấu trúc địa chất, phân bố chủ yếu ở Tây Bắc và Trung bộ, trong đó có triển vọng nhất là quặng urani trong cát kết ở miền Trung.
Các khu mỏ ở khu vực này phân bố gần nhau, cách xa dân cư, thuận lợi cho việc bảo vệ môi trường. Điều kiện giao thông tương đối thuận lợi, gần đường điện 500 KV.
Điều quan trọng là theo những thử nghiệm ban đầu, quặng urani trong cát kết ở đây có thể thu hồi bằng các phương pháp hòa tách khuấy trộn thông thường, có hiệu suất thu hồi cao. Hàm lượng, trữ lượng các mỏ đạt mức trung bình như các mỏ cùng loại trên thế giới. Theo xác định sơ bộ, các mỏ này có thể khai thác được bằng phương pháp lộ thiên kết hợp hầm lò.
Tuy vậy, đây là một đề án có quy mô lớn và phức tạp, cần phải xác định đầy đủ các điều kiện địa chất thủy văn, địa chất công trình làm cơ sở phục vụ công tác lập báo cáo đầu tư; thu thập, quan trắc số liệu về môi trường, kinh tế - xã hội để lập báo cáo đánh giá tác động môi trường của hoạt động khai thác và báo cáo đầu tư khai thác mỏ.
Source: TTXVN
-------------------------------------------------------------------------------------------------
No comments:
Post a Comment