Monday, December 1, 2008

Điện hạt nhân – Kẻ cổ vũ, người phản đối

15/05/2008
Quốc hội Đức đã thông qua đề nghị sửa đổi Luật Năng lượng Hạt nhân, theo đó, quốc gia này sẽ cấm xây dựng và vận hành các nhà máy điện hạt nhân mới, tiến tới loại bỏ các nhà máy điện hạt nhân. Trong khi đó, nhiều quốc gia khác vẫn tích cực xây dựng thêm những nhà máy điện hạt nhân mới.

Sau khi Quốc hội Đức thông qua việc sửa đổi Luật Năng lượng Hạt nhân không lâu, vào cuối năm 2003, nước Đức đã bắt đầu công cuộc đưa điện hạt nhân xuống... nghĩa địa bằng việc khai tử nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của mình – nhà máy điện hạt nhân Stade.

Dự kiến trong vòng 20 năm nữa, Đức sẽ xóa sổ hoàn toàn 19 nhà máy điện hạt nhân, cho dù hiện tại, nó vẫn là nguồn cung cấp năng lượng đáng kể cho đất nước này. Nhà máy điện hạt nhân Stade được đưa vào hoạt động từ tháng 1-1972 và là nhà máy thứ hai trong tổng số 19 nhà máy điện hạt nhân được đưa vào hoạt động ở Đức. Trong gần 32 năm hoạt động, nhà máy này đã sản xuất được 152 tỷ kW điện.

Công cuộc tháo dỡ nhà máy điện hạt nhân này khá hao tiền tốn của, người Đức sẽ phải tháo dỡ nó trong 10 năm, và tổng chi phí lên tới 500 triệu euro. Mặc dù vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, trong đó, có ý kiến cho rằng Đức sẽ không tìm đủ nguồn năng lượng thay thế năng lượng hạt nhân (chiếm khoảng 25% tổng năng lượng điện), nhưng việc tháo dỡ các nhà máy điện nguyên tử, đồng thời không xây thêm mới, vẫn là chính sách của quốc gia này.

Cùng chung quan điểm với Đức, các nước Bỉ, Thụy Điển đều đã phê chuẩn việc giới hạn hoạt động của các lò phản ứng hạt nhân, tiến tới loại bỏ.

Nhiều quốc gia phản đối xây dựng các nhà máy điện hạt nhân, thứ nhất là do lo sợ xảy ra các sự cố. Vì nguyên liệu sử dụng cho các nhà máy điện hạt nhân, là những chất phóng xạ cực kỳ nguy hiểm. Ngoài những hậu quả trực tiếp, khi xảy ra sự cố, nó còn gây hậu quả lâu dài đến cuộc sống con người. Hầu như ai cũng biết sự cố xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl.

Người ta đã phải phủ một lớp bê tông dày lên những lò phản ứng ở trong lòng đất. Nhưng việc làm này bắt đầu trở nên vô tác dụng khi chất phóng xạ sắp rò rỉ qua lớp bê tông này. Điều đó khiến cho cả châu Âu lo lắng và họ đang tính toán giúp Ucraina một khoản tài chính lớn để nước này phủ lên những lò hạt nhân hỏng tại đây một lớp thép dày. Chưa bao giờ người ta công bố những con số thiệt hại do vụ nổ nhà máy này gây nên. Một phần vì điều này rất khó thống kê, ngoài những người chết trực tiếp trong vụ nổ, còn rất nhiều người chết dần chết mòn do nhiễm phóng xạ, cũng như con cháu đời sau họ vẫn còn phải chịu đựng. Tuy nhiên, có thể hình dung phần nào hậu quả của nó qua vụ nổ tạo ra những đám mây phóng xạ, và những đám mây này bay sang cả những quốc gia lân cận và reo rắc hậu quả.

Một quốc gia tiên tiến như Nhật Bản cũng từng gặp những bê bối về năng lượng hạt nhân. Từ cuối thập kỷ 1980 TEPCO – tập đoàn năng lượng lớn nhất Nhật Bản đã phát hiện một số lỗi trong hoạt động của lò phản ứng, nhưng họ đã cố tình giấu giếm. Đến khi bị phát giác, Chủ tịch TEPCO và một số cộng sự phải từ chức. Đến tháng 4-2003 tất cả 17 lò phản ứng của TEPCO với tổng công suất điện hơn 16.000 MW (gấp 8 lần Nhà máy thủy điện Hòa Bình) buộc phải đóng cửa. Vụ bê bối này khiến dân chúng Nhật bắt đầu mất niềm tin vào điện hạt nhân. Tất nhiên, đây không phải là bê bối đầu tiên của Nhật Bản. Tương tự, sự cố cũng từng xảy ra ở những quốc gia phát triển nhất thế giới như Mỹ, Đức...

Sự cố xảy ra ở những nước tiên tiến trên làm cho công chúng chống đối điện hạt nhân ngày càng tăng. Một số nước xây xong hoặc gần xong nhà máy điện hạt nhân vẫn phải đóng cửa, không đưa vào hoạt động vì sợ không an toàn. Nước láng giềng Philippin là một ví dụ, họ sẵn sàng vứt không mấy tỉ đô la xây dựng nhà máy (đã xong 90%) chứ không đưa vào sử dụng.

Người ta phản đối điện hạt nhân, còn vì các nhà máy điện hạt nhân tạo ra chất thải phóng xạ chết người. Trước đây người ta vẫn xử lý bằng cách chôn sâu trong lòng đất. Tuy nhiên, những nhà bảo vệ môi trường cho rằng, chúng sẽ gây hậu quả cho con cháu mai sau. Vì chất thải hạt nhân có thể gây tác hại trong hàng chục nghìn năm sau.

Hiện thế giới có gần 450 lò phản ứng hạt nhân. Trong khi một số quốc gia châu Âu tính chuyện loại bỏ các lò phản ứng hạt nhân thì châu Á lại tích cực phát triển. Những nước xây dựng nhiều nhà máy điện hạt nhân trong những năm gần đây là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và CHDCND Triều Tiên.

Các quốc gia tích cực xây dựng nhà máy điện hạt nhân cho rằng, đây là giải pháp rẻ tiền để giảm sức ép về năng lượng hóa thạch (dầu mỏ, than đá...) đang cạn kiệt (đây cũng là nguồn năng lượng gây hiệu ứng nhà kính). Tuy nhiên, những quốc gia phản đối điện hạt nhân cho rằng, có thể dùng năng lượng tái tạo như năng lượng gió, mặt trời để thay thế.

Vấn đề xây dựng nhà máy điện hạt nhân khiến châu Âu phân làm hai cực. Trong khi đầu tàu của kinh tế châu Âu, nước Đức quyết tâm nói không với điện hạt nhân, thì Pháp lại là nước ủng hộ, và họ còn là nước xuất khẩu công nghệ xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

Còn nhớ cách đây không lâu, Philippe Jamet, Giám đốc bộ phận an toàn lắp đặt hạt nhân của IAEA (Cơ quan năng lượng nguyên tử thế giới), nói rằng các nước còn xa lạ hoặc đang làm quen với điện hạt nhân phải hết sức thận trọng, vì ta có thể học từ sai lầm đối với các lĩnh vực khác nhưng với điện hạt nhân thì không. Mỗi sai lầm gắn liền với mạng sống con người thuộc không chỉ một thế hệ.
Source: daidoanket

-------------------------------------------------------------------------------------------------

No comments:

Post a Comment

Add to Technorati Favorites

From vituyen blog